Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên thảo luận. Video: Hoàng Thuỳ |
Chiều 19/5, Uỷ ban về các vấn đề xã hội họp phiên toàn thể thẩm tra dự án Bộ Luật lao động (sửa đổi). Nhiều ý kiến quan tâm đến đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu được nêu trong dự án Luật này.
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, Chính phủ trình 2 phương án, trong đó phương án một kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Phương án 2, từ 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động là đủ 60 tuổi 4 tháng với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng với nam và 6 tháng với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Theo ông Diệp, dự thảo cũng quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt; quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.
"Việc kéo dài tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam không thể để chậm hơn nữa, phải điều chỉnh ngay. Nhưng không có chuyện nói tăng tuổi nghỉ hưu là lập tức kéo dài tuổi lao động của nam lên 62 và nữ lên 60", Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nói và giải thích thêm, theo lộ trình, đến năm 2036 mới có người phụ nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60 và đến năm 2029 mới có người nam giới nghỉ hưu ở tuổi 62.
Ông Dung nêu rõ, chỉ những người lao động bình thường mới đủ điều kiện tăng dần tuổi nghỉ hưu; còn trường hợp suy giảm sức khoẻ, giảm khả năng lao động, người làm việc nặng nhọc, độc hại, công việc đặc biệt... thì tuổi nghỉ hưu có thể giảm 5 năm.
"Cách đây ít ngày, sau khi nghe góp ý, chúng tôi đã bàn nhau thiết kế thêm điều khoản ở gần cuối của dự thảo nghị định hướng dẫn, quy định những trường hợp đặc biệt, như người lao động suy giảm sức khoẻ 61% thì được quyền lựa chọn nghỉ hưu sớm, dự kiến có thể nghỉ sớm trước 10 năm. Còn người suy giảm sức khoẻ 81% thì trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng được nghỉ hưu ngay", ông Dung nói.
Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá cao quy định để người lao động được quyền nghỉ hưu sớm hoặc muộn 5 năm. Theo bà Hà, hiện có nhóm phụ nữ mong muốn tiếp tục đóng góp sau 55 tuổi, bên cạnh đó lao động trong khu vực độc hại, nghệ thuật, cô giáo mầm non thì hầu hết muốn nghỉ hưu sớm.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề về xã hội Đặng Thuần Phong cho rằng Bộ Luật Lao động là bộ luật gốc nên Chính phủ đưa tuổi nghỉ hưu vào Bộ Luật này, nhưng thực tế có thể quy định tuổi nghỉ hưu tại các luật chuyên ngành, như luật công chức, viên chức.
Ông Tạ Văn Hạ - Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu việc người dưới 15 tuổi được làm hợp đồng lao động trong trường hợp có giám hộ, vì nhiều em mới 13 tuổi đã có năng khiếu nghệ thuật và đi diễn trong, ngoài nước.
Tuy nhiên ông Hạ đề xuất những ngành nghề phải cấm sử dụng lao động dưới 18 tuổi như quán bar, karaoke, vũ trường, hay những nơi khai thác hầm mỏ, làm việc độc hại.
"Những trường hợp đặc thù như diễn viên múa, xiếc... cần nghiên cứu tuổi nghỉ hưu đặc thù, đi liền với đó là đảm bảo mức lương phù hợp", ông Hạ nói.
Đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng cả hai phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đều có lộ trình tăng chậm. Với phương án một, đến năm 2028 thì nam đạt 62 tuổi và đến năm 2035 nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ). Phương án 2 có lộ trình nhanh hơn, đến năm 2026 nam đạt 62 tuổi và đến năm 2030 nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60 (sau 6 năm với nam và sau 10 năm đối với nữ).
Trong đó, Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án một vì tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo Hoàng Thùy (VnExpress.net)