Tại nhiều tỉnh, thành phố của nước ta liên tục ghi nhận những trường hợp nhập cảnh dương tính. Vậy mức độ cảnh báo dịch xâm nhập vào Việt Nam đang ở mức độ nào? Ban chỉ đạo quốc gia cũng như Bộ Y tế và các địa phương đang triển khai những biện pháp gì để phòng chống? Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có trao đổi với phóng viên VOV về vấn đề này.
Thưa ông, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến biến phức tạp tại một số nước trong khu vực. Qua kiểm tra thực tế tại các tỉnh biên giới Tây Nam gần đây, ông có nhận định gì?
Có thể nói trong thời gian qua, diễn biến tình hình dịch tại Campuchia và Thái Lan hết sức phức tạp. Số ca mắc trong những ngày gần đây, dù đã giảm, nhưng vẫn ở mức ba con số. Vì vậy, chúng tôi đánh giá nguy cơ có thể lây lan tình hình dịch tại Campuchia tại Thái Lan và một số khu vực khác vào đối với khu vực Tây Nam Bộ là hết sức cao và hiện hữu. Và thực tế trong thời gian qua có rất nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép và kể cả nhập cảnh theo đường chính ngạch thì chúng ta đều đã phát hiện ra những trường hợp dương tính. Có những trường hợp có 11 người về, trong đó có 10 trường hợp dương tính đối với SARS-CoV-2. Bộ Y tế cũng như Ban chỉ đạo quốc gia đặt khu vực Tây Nam ở mức độ cảnh báo rất cao đối với việc lây nhiễm Covid-19 tại khu vực này.
Vậy Bộ Y tế đang cùng các địa phương tăng cường những biện pháp như thế nào để ngăn chặn dịch xâm nhập?
Trước tình hình như vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia cũng như Bộ Y tế đã có chỉ đạo rất sát đối với khu vực này. Và có thể nói rằng các biện pháp hiện nay chúng ta đang triển khai thực hiện đã phát huy được hiệu quả.
Thứ nhất là làm sao để ngăn chặn một cách tối đa việc nhập cảnh trái phép vào khu vực này. Và tất cả các lực lượng bộ đội biên phòng cũng như các lực lượng công an và lực lượng tại địa phương đã cắm chốt và tăng dày những điểm cắm chốt để có thể quản lý được việc nhập cảnh trái phép ở khu vực này. Tăng cường kiểm soát trên đường biển và khu vực rộng lớn.
Có thể nói rằng việc nhập cảnh trái phép đối với trên đường biển là hết sức phức tạp và vì vậy các tỉnh đã tăng cường tuần tra và giám sát đối với việc nhập cảnh qua đường biển, đồng thời huy động mọi người dân tham gia trong vấn đề về việc phòng, chống dịch rồi báo với các cơ quan chính quyền địa phương khi có những người nhập cảnh từ phía Campuchia cũng như các nước vào khu vực này.
Biện pháp thứ hai, trong thời gian qua, chúng tôi đã chỉ đạo đối với tất cả các địa phương tăng cường việc xét nghiệm, giám sát, tầm soát những trường hợp, những đối tượng hay những khu vực có nguy cơ để có thể chúng ta phát hiện sớm tình hình dịch tại khu vực này để triển khai các biện pháp phòng, chống.
Vậy, các tỉnh có đường biên, nhất là biên giới Tây Nam cần phải làm gì lúc này, thưa ông?
Tất cả các địa phương ở khu vực biên giới đều phải chuẩn bị cho những tình huống khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn tức là tình huống xấu hơn khi Covid-19 xâm nhập khu vực này. Và cụ thể đó là chuẩn bị tình huống cho vấn đề về nâng công suất xét nghiệm. Thế rồi chuẩn bị tình huống cho cách ly và cách ly trên diện rộng và kể cả cách ly trong thời gian rất ngắn đối với các trường hợp mà chúng ta nghi ngờ có tiếp xúc gần đối với trường hợp dương tính.
Bên cạnh đó là xây dựng những bệnh viện có thể điều trị cho bệnh nhân trong tình huống dịch bệnh diễn biến phức tạp. Chúng tôi đánh giá tất cả các tỉnh mà có biên giới, đối với Campuchia thì hai khu vực là Tây Ninh, Kiên Giang và An Giang. Ở đây là khu vực rất là nóng trong tình hình hiện nay. Vì vậy Bộ Y tế vừa rồi cũng đã chỉ đạo đối với Kiên Giang thành lập bệnh viện dã chiến tại Hà Tiên, để đón tiếp, điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Đến thời điểm hiện nay có rất nhiều bệnh nhân, tức là nhiều người nhập cảnh dương tính và đang điều trị tại khu vực này.
Xin cảm ơn ông.
Theo Văn Hải (VOV.vn)