Theo ông Phu, dịch đang bùng phát mạnh ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là những nước Đông Nam Á gần Việt Nam,trong đó có Campuchia.
“Người Việt Nam làm ăn sinh sống ở Campuchia nhiều, việc đi lại giữa hai nước rất lớn. Trong lúc này, người Việt Nam từ Campuchia muốn trở về quê hương cũng rất cao nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào nước ta là lớn”, ông nhận định.
Về nguy cơ dịch bệnh dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 khi người dân đi du lịch nhiều, ông Phu cho rằng, mở cửa để phát triển du lịch, kinh tế là cần thiết nhưng phải phòng bệnh chu đáo; chính quyền nơi có các điểm du lịch, du khách và dân địa phương phải có ý thức phòng dịch cao; nếu để dịch xảy ra thì vô cùng khó kiểm soát, quản lý, phát hiện và truy vết. Vì thế, việc thực hiện thông điệp 5K là rất quan trọng, “không được chủ quan một chút nào”, ông nói.
Bộ Y tế đã nhiều lần làm việc với các tỉnh có biên giới với Campuchia để tăng cường xét nghiệm, ưu tiên tiêm vắc-xin, tăng cường năng lực các cơ sở y tế. Các chuyên gia dịch tễ cho rằng, hiện có nhiều người nhập cảnh (kể cả hợp pháp và bất hợp pháp) từ Campuchia vào Việt Nam.
Ông Phu lấy ví dụ, ca nhiễm ghi nhận tại TPHCM - bệnh nhân 2580 và ca nhiễm tại Hải Phòng - bệnh nhân 2582 đều nhập cảnh trái phép bằng tàu cá từ Campuchia.
“Nguy cơ lây nhiễm cao,cần kiểm soát chặt các cửa khẩu, đường mòn lối mở, cách ly nghiêm ngặt, đừng để lọt.Nếu không, dịch sẽ bùng phát trở lại”, ông nhận định.
Tăng cường kiểm soát cửa khẩu
Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Campuchia. Nhà chức trách nước này phải gấp rút triển khai tiêm chủng cũng như thực hiện các biện pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Campuchia Li Ailan cảnh báo, Campuchia đang “đứng bên bờ vực thảm kịch quốc gia” do COVID-19, “hệ thống y tế Campuchia có nguy cơ vỡ trận và gây hậu quả thảm khốc nếu không thể chặn được đợt bùng phát”.
Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam đã có hơn 30 ngày không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng, nhưng số ca nhập cảnh vẫn liên tục tăng. Trong đó, người nhập cảnh từ Campuchia về nhiều, đều được phát hiện và cách ly ngay.
Theo ông Phu, Việt Nam cần tăng cường kiểm soát người nhập cảnh tại các cửa khẩu, rà soát đường mòn lối mở, đặc biệt là đường biển để ngăn chặn người nhập cảnh trái phép. Người dân không nên vượt biên trái phép, nên nhập cảnh qua đường chính ngạch và tuân thủ cách ly y tế an toàn. Nếu phát hiện người nhập cảnh trái phép đã về cộng đồng, người dân nên khai báo trung thực.
Tối 13/4, Bộ Y tế cho biết, trong ngày có 9 ca mắc COVID-19, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Bến Tre, Kiên Giang, Đà Nẵng và TPHCM. Bộ Y tế cho biết,đến nay, 59.249 người đã được tiêm vắc-xin; 9/19 tỉnh, thành phố đã kết thúc triển khai kế hoạch tiêm chủng đợt 1, gồm Tây Ninh, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Gia Lai, Hòa Bình, Hà Giang và Bắc Ninh.
Theo Hà Minh (Tiền Phong)