Bộ Tài nguyên và Môi trường lên tiếng bác thông tin "mỗi ngày thanh tra 3 doanh nghiệp"

12/10/2017 09:18:00

Theo Tổng Cục Môi trường, sau khi thống nhất với các Bộ, ngành, địa phương, kế hoạch thanh tra về bảo vệ môi trường năm 2017 đã được điều chỉnh giảm từ 758 xuống còn 472 cơ sở.

Theo Tổng Cục Môi trường, sau khi thống nhất với các Bộ, ngành, địa phương, kế hoạch thanh tra về bảo vệ môi trường năm 2017 đã được điều chỉnh giảm từ 758 xuống còn 472 cơ sở.

Ngày 11/10, một tờ báo đã có bài viết "Bộ Tài nguyên và Môi trường mỗi ngày thanh tra 3 doanh nghiệp" đề cập đến việc triển khai Kế hoạch thanh tra về bảo vệ môi trường năm 2017 của Bộ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường lên tiếng bác thông tin

Ảnh trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh từ cổng thông tin Bộ.

Cụ thể, theo thông tin của bài báo, năm 2017 Bộ TN&MT phải thanh tra hơn 750 doanh nghiệp ở 31 tỉnh, thành. Tổng kinh phí chi cho hoạt động này là hơn 43 tỉ đồng. Con số này năm 2016 là 29 tỉ đồng. Tính ra, bình quân mỗi ngày Bộ TN&MT phải thanh tra hơn 3 DN.

Sáng 12/10, Tổng Cục Môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường) đã có thông tin chính thức về vấn đề này.

Theo Tổng Cục, triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Môi trường đã khẩn trương rà soát, lập danh mục và đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Kế hoạch thanh tra về bảo vệ môi trường năm 2017 đối với 758 cơ sở.

Sau khi trao đổi, thống nhất với các Bộ, ngành, địa phương, để đảm bảo kế hoạch thanh tra không chồng chéo, không ảnh hưởng đến doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ trưởng TN&MT, kế hoạch thanh tra về bảo vệ môi trường năm 2017 sau đó đã được điều chỉnh xuống còn 472 cơ sở.

Tổng cục Môi trường cũng đã huy động sự tham gia tổng lực của các đơn vị trực thuộc, thành lập 13 đoàn thanh tra, lấy nòng cốt chủ trì là 3 Cục Kiểm soát hoạt động môi trường, Môi trường miền Trung và Tây Nguyên, Môi trường miền Nam.

Ngoài ra, có sự tham gia của các Cụ Kiểm soát ô nhiễm, Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường và các Sở TN&MT, Ban Quản lý Khu kinh tế, Khu công nghiệp, Sở Công Thương, lực lượng cảnh sát môi trường của các tỉnh, thành phố có cơ sở thuộc đối tượng thanh tra.

Các đoàn thành tra có đơn vị được trưng cầu giám định nước thải, khí thải và chất thải khác tham gia. Trưởng đoàn thanh tra là lãnh đạo của các đơn vị chủ trì thực hiện kế hoạch thanh tra, đồng thời, được chia thành các tổ, tổ chức thanh tra ở các cơ sở dưới sự chỉ đạo của Trưởng đoàn.

Nội dung thanh tra bao gồm chấp hành quy định pháp luật bảo vệ môi trường, cụ thể là chấp hành các thủ tục hành chính, chấp hành quy định về thu gom, lưu giữ, xử lý hoặc chuyển giao xử lý chất thải; lắp đặt, vận hành các công trình bảo vệ môi trường, tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn xả thải, các yêu cầu về bảo vệ môi trường khác.

Để đảm bảo các nội dung thanh tra nêu trên, thời gian thanh tra đối với mỗi đối tượng thanh tra là 45 ngày, kể từ ngày công bố quyết định.

Trong thời gian này, Đoàn thanh tra phải tiến hành đầy đủ các bước theo quy định như nghiên cứu, đánh giá về mặt hồ sơ, tài liệu; kiểm tra thực tế, lấy mẫu nước thải, khí thải và chất thải khác, phân tích mẫu trong phòng thí nghiệm; làm việc, trao đổi, nghe cơ sở giải trình theo quy định...

Trong từng đoàn thanh tra, các thành viên đều được Trưởng đoàn phân công nhiệm vụ cụ thể, chịu trách nhiệm trước Trưởng đoàn, trước pháp luật về các nhiệm vụ đã được phân công, chỉ được cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước khi đi công tác để thực hiện nhiệm vụ thanh tra theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Đến nay, Tổng cục Môi trường đã tiến hành thanh tra đối với hầu hết các đối tượng theo kế hoạch.

Riêng Đoàn thanh tra tại tỉnh Long An và Đoàn Thanh tra tại tỉnh Gia Lai đang triển khai tiếp đến cuối tháng 10 và đầu tháng 11/2017 sẽ kết thúc, trả kết quả và ban hành Kết luận theo quy định của Luật Thanh tra.

Theo Hoàng Đan (Soha/Trí Thức Trẻ)