Phát hiện hàng loạt sai phạm ở các dự án BOT
Trong báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2019 gửi đến Quốc hội Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều tồn tại ở 9 dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên cả nước.
Theo đó, quá trình kiểm toán 9 dự án BOT cho thấy Bộ GTVT cho phép lập dự án BOT trước khi Chính phủ chấp thuận chủ trương dự án; không thực hiện quy trình lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án BOT; phê duyệt dự án trước khi có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Bộ GTVT không công bố danh mục dự án, không tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư, tình trạng này xảy ra tại dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1, đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn. Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước phát hiện hầu hết các dự án đều chỉ định nhà thầu thi công.
Kết quả kiểm toán cũng giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 7/9 dự án tổng cộng 56,4 năm so với phương án ban đầu. Trong đó, dự án cầu Hòa Trung giảm 15,8 năm; dự án cầu Chà Là giảm 13,9 năm; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn TP Hải Phòng và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình giảm 1 năm; dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp mở rộng 4 đoạn tuyến Quốc lộ 60 nối cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên thuộc địa bàn tỉnh Bến Tre giảm 7 năm. Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc cũng được kiến nghị giảm thời gian thu phí 7,5 năm; dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc giảm 6,3 năm và dự án đầu tư xây dựng đoạn qua thị xã Ninh Hòa và cải tạo Quốc lộ 26 (tỉnh Khánh Hòa) giảm 4,9 năm.
Đây không phải là lần đầu tiên Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn đối với các dự án BOT. Trước đó, qua kiểm toán 8 dự án BOT năm 2018, cơ quan này cũng kiến nghị giảm thời gian thu phí 16,2 năm đối với 7/8 dự án. Từ năm 2017 trở về trước, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm 227,4 năm của 67 dự án BOT.
Thanh toán cho nhà đầu tư để xóa trạm BOT "lùm xùm"
Thực hiện rà soát tổng thể vị trí đặt trạm thu phí BOT, chính sách miễn, giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo yêu cầu của Quốc hội, Bộ GTVT đã phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức đánh giá, đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục bất cập tại các trạm BOT trên các tuyến quốc lộ. Đến nay, 15/19 trạm đã được khắc phục, tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông đến nay đã ổn định.
4/19 trạm bất cập còn lại, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thông tin, do tính chất đặc thù nên việc triển khai các giải pháp xử lý gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể, ở trạm Bỉm Sơn (thu phí hoàn vốn cho tuyến tránh phía Tây thành phố Thanh Hóa đoạn Km0 - Km6), do nằm ngoài phạm vi dự án, nếu tiếp tục thu phí để hoàn vốn cho tuyến tránh phía Tây thành phố Thanh Hóa sẽ phát sinh nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Thực hiện kết luận của Chính phủ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa và nhà đầu tư nghiên cứu phương án di dời trạm Bỉm Sơn về tuyến tránh phía Tây để hoàn vốn. Tuy nhiên, do hiện có 3 tuyến song hành (gồm Quốc lộ 1 qua thành phố Thanh Hóa, tuyến tránh phía Đông và tuyến tránh phía Tây), đồng thời trên tuyến có nhiều vị trí giao cắt nên các xe có thể tránh trạm. Việc đặt trạm thu phí trên tuyến tránh phía Tây, do đó không thể bảo đảm hoàn vốn cho Dự án. Do vậy, Bộ trưởng Bộ GTVT dự kiến sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí vốn Nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư.
Với trạm thu phí trên Quốc lộ 3 (thu phí hoàn vốn cho Dự án BOT xây dựng đường Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100), Bộ GTVT đã làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên để thống nhất về phương án giảm giá. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận nhân dân chưa đồng tình, thường xuyên tụ tập phản đối tại Trạm thu phí và có thể phát sinh các tình huống phức tạp về an ninh trật tự, an toàn giao thông. Trường hợp quá khó khăn, Bộ GTVT sẽ dừng thu phí và báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn vốn Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư và xóa trạm trên Quốc lộ 3.
Liên quan đến Trạm thu phí T2 (hoàn vốn cho Dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 và Quốc lộ 91B), Bộ GTVT đã làm việc với UBND TP Cần Thơ và tỉnh An Giang để xem xét các phương án xử lý vướng mắc. Trên cơ sở đánh giá tình hình an ninh, trật tự, Bộ GTVT thống nhất với kiến nghị của các địa phương lựa chọn phương án không tiếp tục thu phí tại trạm T2, báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho phần đầu tư Quốc lộ 91B, giao UBND TP Cần Thơ tiếp nhận, quản lý bảo trì đoạn tuyến Quốc lộ 91B đã đầu tư nêu trên.
Về Trạm thu phí La Sơn - Túy Loan, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất phương án không sử dụng trạm thu phí La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn, bổ sung vốn Nhà nước để hỗ trợ nhằm bảo đảm hiệu quả tài chính. Quan điểm của Bộ GTVT, Bộ Tư pháp thì cơ chế thu phí trạm La Sơn - Túy Loan không chịu tác động của Luật quản lý, sử dụng tài sản công nên vẫn có thể xem xét tiếp tục cho thu phí.
Do có những khó khăn, vướng mắc về giải pháp xử lý các trạm bất cập nêu trên nên theo Bộ trưởng GTVT, đến nay các trạm vẫn chưa được thu phí, gây sụt giảm doanh thu tại các dự án. Trường hợp không được khắc phục sớm, ông Nguyễn Văn Thể lo ngại sẽ phá vỡ phương án tài chính, phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến chính sách điều hành tiền tệ của quốc gia cũng như môi trường thu hút đầu tư tư nhân, tạo áp lực về ngân sách Nhà nước trong các giai đoạn tiếp theo.
Thủ tướng yêu cầu đánh giá về đề xuất tăng phí BOT
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có chỉ đạo Bộ GTVT nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động về đề xuất tăng phí cứu doanh nghiệp BOT. Trước đó, báo chí phản ánh về việc các doanh nghiệp vận tải và hiệp hội vận tải khẳng định đề xuất tăng phí BOT vì dịch COVID-19 là không phù hợp, khiến ngành Vận tải thêm khó khăn chồng chất vào thời điểm này. Theo giới chuyên gia, cần cơ cấu lại thời hạn trả nợ, gia hạn nợ, không chuyển các doanh nghiệp BOT sang nhóm nợ xấu; giãn thời gian nộp thuế; hỗ trợ giảm lãi suất vay của các khoản vay đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông để hài hòa và hữu ích cho nhiều bên, từ Nhà nước, nhà đầu tư tới người dân.
Theo Nhóm Phóng Viên (Giadinh.net.vn)