Đề xuất tăng phí BOT: Trái với nỗ lực bình ổn để phục hồi kinh tế

14/05/2020 14:01:29

Không đồng ý với phương án đề xuất tăng phí BOT hoặc Nhà nước phải bỏ ra hơn 5.000 tỷ để hỗ trợ doanh nghiệp BOT, các ĐBQH cho rằng tăng phí lúc này rất dễ gây hiệu ứng tiêu cực.

Mới đây Bộ GTVT lại có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho tăng giá phí BOT đường bộ. Lý do là theo thống kê của Bộ GTVT, có 58/60 dự án BOT doanh thu thực tế thấp hơn so với doanh thu dự báo trong phương án tài chính, trong đó 17 dự án doanh thu thực tế chưa đạt 50%.

Nguyên nhân chủ yếu do giảm giá vé cho phương tiện lân cận trạm thu phí và theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 35/2016. Một nguyên nhân khác là do dự án chưa được tăng giá vé theo đúng lộ trình trong hợp đồng khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn khi phải trả nợ ngân hàng. 

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, Bộ GTVT báo cáo Chính phủ 2 phương án điều chỉnh mức phí sử dụng đường bộ của các dự án BOT.

Phương án 1 là cho phép tăng phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hợp đồng dự án. Bộ GTVT sẽ lựa chọn thời điểm phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến chi phí vận tải.

Phương án 2 là giữ nguyên mức phí như hiện tại, chỉ thực hiện tăng phí theo lộ trình đã ký trong hợp đồng dự án từ năm 2022. Đổi lại, Nhà nước bố trí khoảng 5.080 tỷ đồng hỗ trợ các dự án do chưa được tăng giá theo hợp đồng BOT đã ký.

Trên cơ sở phân tích cụ thể ưu, nhược điểm của các phương án, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận phương án tăng phí BOT vì có nhiều ưu điểm hơn và không phải bố trí ngân sách Nhà nước.

Đề xuất tăng phí BOT: Trái với nỗ lực bình ổn để phục hồi kinh tế

Thông tin trên tờ Trí Thức Trực Tuyến, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương (Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH Ninh Bình, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách) không đồng tình với đề xuất này, đặc biệt vào giai đoạn nhạy cảm như hiện nay.

Ông Phương cho rằng trong lúc khó khăn, phải có sự chia sẻ chung của tất cả thành phần trong xã hội, và đặc biệt, phải tính toán đến những vấn đề của nền kinh tế.

Với các dự án giao thông đã đầu tư, đã làm BOT mà khó khăn do những nguyên nhân bất khả kháng, vị đại biểu Quốc hội này nhấn mạnh có nhiều cách điều chỉnh, trong đó có thể kéo dài thời gian thu phí, nhằm đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng với Nhà nước.

Theo ông Phương, kiến nghị tăng thu phí BOT lúc này là rất phản cảm, trái với nỗ lực của cả hệ thống, của các cấp, các ngành đang tập trung chính sách cho kinh tế phục hồi. Đặc biệt, rất dễ gây hiệu ứng tiêu cực từ người dân và xã hội, bởi BOT vốn là vấn đề đã rất nhạy cảm.

Cũng giống như phương án đề xuất tăng giá vé, việc kiến nghị Nhà nước bỏ hơn 5.000 tỷ từ ngân sách “cứu” doanh nghiệp BOT, theo ông Phương, chắc chắn xã hội sẽ phản ứng, người dân khó đồng tình lúc này.

Xét ở khía cạnh kinh doanh, đại biểu Phương cho rằng với các dự án BOT, nguyên tắc làm khi đấu thầu thực hiện dự án, làm thì phải có tính toán, “lời ăn, lỗ chịu”. Riêng giai đoạn này, dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều đến doanh thu BOT do lưu lượng tham gia giao thông giảm, song theo ông Phương, hết dịch mật độ giao thông lại tăng lên, lưu lượng vận tải cũng phục hồi bình thường, BOT lại có nguồn thu chứ không có chuyện thu kém mãi. Vì thế, căn cứ tăng phí chưa thuyết phục.

Đồng ý với quan điểm của đại biểu Phương, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, ông Phạm Văn Hoà cũng nhìn nhận dịch Covid-19 khiến tất cả lĩnh vực gặp khó khăn, cả doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh và người lao động đều bị tác động nặng nề.

Để chia sẻ khó khăn đó, Chính phủ đã ban hành gói hỗ trợ 62.000 tỷ cho những đối tượng bị ảnh hưởng, ngành thuế giảm trừ thuế cho doanh nghiệp, ngành điện cũng giảm giá, ngân hàng cung cấp chính sách giãn nợ…

Việc doanh nghiệp BOT khó khăn do dịch Covid-19, ông Hòa cho rằng đây chỉ là vấn đề thời điểm, do giãn cách xã hội, xe không lưu thông được nên doanh nghiệp BOT mất doanh thu. Vì thế, Nhà nước có thể tính toán lộ trình tăng thời gian thu phí lên để bù vào mất mát của doanh nghiệp.

Nhưng lộ trình này, ông Hòa lưu ý phải tính toán vào thời điểm thích hợp để xã hội có thể chấp nhận được. Còn hiện nay rất khó khăn trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là với các doanh nghiệp vận tải.

Mặt khác, vị đại biểu đề nghị phải công khai, minh bạch trong vấn đề BOT. Nếu doanh nghiệp kêu lỗ, phải công khai lỗ thế nào, lưu lượng xe giảm bao nhiêu, doanh thu thực tế ra sao.

Đề cập đến câu chuyện minh bạch, đại biểu Nguyễn Mai Bộ - Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh, cho rằng đây là cốt lõi vấn đề khiến BOT dễ gặp phản ứng từ dư luận.

“Các doanh nghiệp BOT kêu lỗ, vậy cái gì chứng minh lỗ? Đây là câu chuyện minh bạch, trước đây doanh nghiệp thu nhiều, chúng tôi yêu cầu công khai doanh thu thì ông tìm mọi cách che giấu. Giờ bảo lỗ thì căn cứ vào đâu?”, ông Bộ đặt vấn đề.

Minh chứng cho câu chuyện thiếu minh bạch, vị đại biểu cho rằng chủ trương thu phí điện tử không dừng nhằm công khai con số doanh thu, lưu lượng xe, đã được Thủ tướng quán triệt, chỉ đạo từ lâu nhưng đến nay Bộ GTVT vẫn chưa làm được.

Chừng nào chưa minh bạch, vị đại biểu này cho rằng chừng đó khó chấp nhận việc tăng phí BOT.

HL (Nguoiduatin.vn)