Bộ GD&ĐT lên tiếng về việc giữ hay bỏ trường chuyên

05/07/2020 10:27:25

ý kiến về vấn đề này.

Những ngày vừa qua, câu chuyện giữ hay bỏ các trường THPT chuyên đang tạo nên những luồng quan điểm trái chiều. Về phía cơ quan quản lý cao nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học đã có những ý kiến về vấn đề này.

Theo ông Thành, luật Giáo dục đã quy định, trường chuyên được thành lập ở cấp THPT dành cho học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Nhà nước ưu tiên bố trí giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị và ngân sách cho trường chuyên.

Mô hình trường chuyên đã được thể chế hóa trong các điều luật của nhà nước nên không thể xã hội hóa.

Vì là trường chuyên nên đội ngũ giáo viên là những người có năng lực trội hơn nên chất lượng giáo dục đại trà trong các trường THPT chuyên cũng đạt được chất lượng cao, từ đó mới nói đến chất lượng giáo dục mũi nhọn.

Số lượng học sinh thi quốc tế, quốc gia không nhiều. Học sinh trong trường chuyên học chương trình bình thường, chỉ có những học sinh ở lớp chuyên mới học thêm các chuyên đề chuyên sâu của môn học theo năng khiếu, sở trường.

Bộ GD&ĐT lên tiếng về việc giữ hay bỏ trường chuyên
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành

Quan điểm của Bộ GD&ĐT về sự tồn tại song song hệ thống lớp không chuyên và trường THCS trong một số trường THPT chuyên hiện nay?

Nhà nước chỉ cho phép dạy chuyên ở cấp THPT. Nhưng thực tế có một vài trường THPT, khi thành lập lại được thành lập theo điều lệ trường có nhiều cấp học, vì thế có cả học sinh THCS, như Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM). Hay Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam có hệ THCS từ nhiều năm.

Chúng tôi xin khẳng định, hệ THCS trong những trường này không phải là chuyên. Tới đây sẽ đánh giá một cách rõ ràng để xem vai trò đóng góp của hệ THCS trong các trường chuyên này ra sao. Tuy chưa có khảo sát nhưng qua theo dõi chúng tôi thấy, học sinh học hệ THCS này thi vào hệ chuyên của THPT có tỷ lệ đỗ rất cao.

Theo điều lệ trường chuyên (thông tư 06 ban hành năm 2012), số học sinh không chuyên không được vượt quá 20% tổng số học sinh chuyên trong toàn trường. Vì sao có con số này? Một phần là tận dụng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để đào tạo có chất lượng hơn. Nhưng quan trọng, đây là những lớp nguồn để có thể bổ sung học sinh cho các lớp chuyên khi cần thiết.

Một số chuyên gia cho rằng mô hình trường chuyên đang bị biến tướng. Bộ GD&ĐT có ý kiến gì về vấn đề này, thưa ông?

Mô hình trường chuyên hiện nay được phát triển trên cơ sở đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 đã được Chính phủ phê duyệt thông qua Quyết định 959/QĐ-TTg năm 2010 (Đề án 959).

Bộ GD&ĐT đã có kế hoạch tổ chức hội nghị tổng kết Đề án 959 trong năm nay.

Bộ GD&ĐT sẽ đánh giá một cách căn bản quá trình phát triển trường chuyên, xác định rõ đến giờ chúng ta đã đạt được những gì để đảm bảo chất lượng theo yêu cầu; đồng thời phát hiện những gì còn bất cập so với xu hướng phát triển của giai đoạn mới. Từ đó xác định hướng đi căn bản cho hệ thống trường chuyên trong thời gian tiếp theo.

Khi thực hiện đề án, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học trong trường chuyên đã được đầu tư rất nhiều. Những năm trước đây, học sinh Việt Nam tham gia các kỳ Olympic quốc tế, điểm lý thuyết rất tốt nhưng thường bị mất điểm ở phần thực hành.

Nhưng gần đây, chúng ta đã có những kết quả tốt ở phần thực hành, thậm chí không thua kém các nước bạn.

Ngoài ra, các trường chuyên hiện nay có rất nhiều câu lạc bộ về âm nhạc, thể dục thể thao, mỹ thuật, trình diễn… tức là rất toàn diện.

Như vậy, để đánh giá chất lượng trường chuyên, trước hết chúng ta cũng phải đánh giá ở chất lượng giáo dục đại trà, chứ không chỉ đánh giá số được chọn đi thi quốc gia, quốc tế.

Biên Thùy (Nguoiduatin.vn)