Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, trải qua 2 ngày thi, tỷ lệ thí sinh và cán bộ coi thi vi phạm quy chế thi tốt nghiệp THPT giảm đi so với năm ngoái.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) ghi nhận sự nỗ lực vào cuộc trong việc chuẩn bị, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT của 63 tỉnh, thành năm nay.
Về đề thi tốt nghiệp THPT năm nay, ông Trinh khẳng định đã được tuyệt đối bảo mật.
Năm nay, có 1.021.340 thí sinh đăng ký dự thi.
Số thí sinh không thể dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là 23.569 thí sinh (chiếm 2,31%).
Ông Trinh cho hay, đánh giá tổng thể, kỳ thi đã diễn ra một cách nghiêm túc, an toàn.
Năm nay, số lượng thí sinh bị đình chỉ thi là 18 thí sinh, trong khi năm 2020 là 38 thí sinh, năm 2019 là 71 thí sinh.
Nghi vấn tuồn đề ra ngoài: Nữ sinh mang điện thoại vào điểm thi
Về các tình huống bất thường, ông Trinh cho biết, trong buổi thi môn Toán chiều hôm qua 7/7, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin đề thi tốt nghiệp THPT bị lọt ra ngoài.
Ông Trinh cho hay, trong trường hợp này là lọt đề chứ không phải là lộ đề. Bởi đề thi đã được bóc ra và tổ chức thi, chứ không phải khi chưa diễn ra việc thi.
“Kết thúc buổi thi môn Toán, thời gian thu bài lúc 16h, còn việc xuất hiện đề thi trên mạng xã hội vào 15h55 phút. Do đó, phải khẳng định đây là việc lọt đề”.
Về các cán bộ coi thi ở phòng thi trong sự cố này, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu làm bản tường trình và không cho phép làm thi ở các buổi thi tiếp theo.
Bộ GD-ĐT đã cùng cơ quan công an, cụ thể là các đơn vị A03, A05, A06 vào cuộc xác minh làm rõ vụ việc. Đến nay, bằng các biện pháp nghiệp vụ đã xác định được thí sinh mang điện thoại vào điểm thi Trường THPT Lệ Thủy, Quảng Bình.
Hiện, cơ quan công an vẫn đang điều tra làm rõ sự việc. Căn cứ vào mức độ vi phạm để có hình thức xử lý phù hợp.
Nói về đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021, ông Trinh cho rằng đề thi vẫn đảm bảo vừa sức và không đánh đố thí sinh, đảm bảo đúng yêu cầu bám sát nội dung kiến thức của việc tinh giản kiến thức. Bộ GD-ĐT tiếp tục yêu cầu các địa phương tập trung đảm bảo nghiêm túc, công bằng.
“Đặt mục tiêu không để xảy ra tiêu cực trong tất cả các khâu của kỳ thi năm nay”.
Ông Trinh cũng khẳng định, đề thi tốt nghiệp THPT đợt 2 sẽ được xây dựng theo hướng tương đồng về độ khó so với đợt 1.
“Để đánh giá một đề thi khó dễ, phụ thuộc vào sự chủ quan của mỗi người. Tuy nhiên, quy trình khi xây dựng đề thi là dựa vào một ma trận đề thi, chứ không phải chúng ta xây dựng không có cơ sở khoa học. Ma trận đề thi được xây dựng theo mục tiêu đánh giá của kỳ thi tốt nghiệp THPT, thể hiện qua số câu hỏi và độ khó dễ,...” - ông Trinh nói.
Về đáp án, Bộ GD-ĐT sẽ công bố đáp án theo tiến độ chấm thi. Đáp án của môn Ngữ văn sẽ công bố trước, sau đó đến các môn thi trắc nghiệm.
Bộ GD-ĐT không 'ép' thi
Theo ông Trinh, trong bối cảnh kỳ thi diễn ra trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, chúng ta không thể giải quyết tất cả mọi việc một cách toàn vẹn như đối với điều kiện bình thường. Những thí sinh đã thi nhưng không thể tiếp tục, các em có thể lựa chọn: Với mục đích xét tốt nghiệp THPT, các em có thể được lựa chọn đặc cách. Hoặc theo phương án, đăng ký thi tiếp các môn mà các em chưa thể hoàn tất việc thi ở đợt 1.
Việc tổ chức, xử lý các trường hợp liên quan đến dịch Covid-19 tại địa phương sẽ do địa phương tổ chức. Nếu đảm bảo các quy định về an toàn phòng chống dịch, các địa phương có quyền quyết tổ chức.
“Bộ GD-ĐT không ép thi, trên cơ sở căn cứ các quy định, các địa phương được chủ động triển khai”, ông Trinh nói.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho hay, với các thí sinh F0, được đặc cách xét tốt nghiệp, tuy nhiên nếu muốn có điểm để xét tuyển đại học sẽ phải tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2.
Bộ GD-ĐT hiện đã thống nhất việc sẽ chỉ xét tuyển đại học sau khi hoàn tất cả 2 đợt thi và có công văn hướng dẫn các trường ĐH về việc này.
Trước băn khoăn trường hợp nếu đợt thi thứ 2 quá xa so với đợt 1 có ảnh hưởng đến việc xét tuyển, bà Thủy cho hay, 2 đợt thi của năm ngoái còn được tổ chức ở quãng thời gian muộn hơn năm nay. Do đó có thể tạm yên tâm việc này vẫn có thể không bị ảnh hưởng.
Kết thúc buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay, những điều được dư luận, báo chí phản ánh là xác đáng và Bộ GD-ĐT xin ghi nhận để tiếp tục chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong thời gian tới.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ yêu cầu các địa phương tăng cường hơn việc đảm bảo nghiêm túc, công bằng và an toàn trong việc chấm thi.
Theo Thanh Hùng (Vietnamnet.vn)