Bộ GD-ĐT lên tiếng việc hàng trăm học viên trường múa kêu cứu

02/04/2021 10:42:23

Bộ GD-ĐT đồng ý để Học viện Múa Việt Nam được in phôi bằng và in bằng tốt nghiệp theo quy định hiện hành.

Bộ GD-ĐT cho hay đã nhận được công văn số 1016/BVHTTDL-ĐT ngày 1-4-2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tháo gỡ vướng mắc trong công tác đào tạo THCS, THPT và cấp bằng tốt nghiệp TCCN cho học sinh, sinh viên Học viện Múa Việt Nam.

Bộ GD-ĐT cho rằng trong trường hợp trường Cao đẳng Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam) tổ chức đào tạo đầy đủ chương trình theo Quyết định số 92/2004/QĐ-BVHTT ngày 1-10-2004 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Chương trình khung giáo dục trung học chuyên nghiệp thì Học viện Múa Việt Nam cấp bằng tốt nghiệp cho học sinh theo thẩm quyền. Bộ GD-ĐT đồng ý để Học viện Múa Việt Nam được in phôi bằng và in bằng tốt nghiệp theo quy định hiện hành.

Bộ GD-ĐT đồng ý để Học viện Múa Việt Nam cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong trường hợp học sinh đã hoàn thành chương trình theo quy định tại Thông tư 16/2010/TT-BGDĐT ngày 28-6-2010 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc Ban hành Quy định khung trung cấp chuyên nghiệp.

Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Học viện Múa Việt Nam triển khai thực hiện các nội dung trên để đảm bảo quyền lợi cho học sinh, sinh viên theo quy định của pháp luật.

Bộ GD-ĐT lên tiếng việc hàng trăm học viên trường múa kêu cứu
Học viện Múa Việt Nam

Trước đó ngày 1/4, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, cho phép Học viện Múa Việt Nam cấp bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp và giấy chứng nhận hoàn thành các môn văn hóa THPT cho những học viên gặp vướng mắc về bằng cấp.

Ông Trần Văn Hải, quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam, cho biết 273 học viên vào trường từ năm 2012 đến năm 2016, đặc biệt những em học hệ cao đẳng, vướng mắc về bằng cấp do "lỗi kỹ thuật".

Với bằng THCS và THPT, trường dạy theo Quyết định 92/2004 về chương trình khung giáo dục trung học chuyên nghiệp thuộc ngành múa. Theo đúng quy định, sau khi hoàn thành chương trình trung cấp chuyên nghiệp, học sinh được cấp bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp, không có bằng tốt nghiệp THCS, THPT, nhưng vẫn được thi lên đại học ở các trường nhóm văn hóa, nghệ thuật.

Tuy nhiên, từ năm 2017 trở lại đây, khi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên để bổ túc văn hóa cho học sinh chứ không được tổ chức dạy văn hóa như trước, trường Múa vẫn chưa liên kết do lãnh đạo khi ấy "chưa nhận thấy nhu cầu".

Ngoài bằng tốt nghiệp THCS và THPT, sinh viên cao đẳng chính quy ngành diễn viên múa còn không được cấp bằng trung cấp chuyên nghiệp. Ông Hải giải thích từ năm 2012, trường xin phép mở chương trình tích hợp đặc thù, tuyển sinh đầu vào là trung cấp và đầu ra là cao đẳng. Tuy nhiên, khi thực hiện nhà trường để xảy ra "lỗi kỹ thuật", không đăng ký đầu vào là trung cấp mà chỉ đăng ký đầu ra là cao đẳng. Vì vậy, khi hết giai đoạn một (trung cấp) để chuyển sang giai đoạn hai (cao đẳng), trường không được cấp bằng trung cấp chuyên nghiệp nữa.

Học viện Múa Việt Nam, tiền thân là trường Múa Việt Nam, được thành lập năm 1959, sau đó được nâng cấp lên thành trường Cao đẳng Múa Việt Nam từ năm 2001. Năm 2019, Thủ tướng đồng ý phê duyệt thành lập Học viện Múa Việt Nam trên cơ sở trường Cao đẳng Múa.

RM (Nguoiduatin.vn)