Hàng trăm học viên Học viện Múa kêu cứu

31/03/2021 18:21:35

Hơn 320 học viên Học viện Múa Việt Nam nộp đơn kêu cứu khắp nơi do không được cấp bằng tốt nghiệp THCS, THPT dù học đầy đủ, có bảng điểm.

Sáng 31/3, tại Học viện Múa Việt Nam, Quỳnh Anh, lớp K6 Kịch múa, vẫn tới lớp học bình thường. Nhưng tâm trạng em khác hẳn những tháng trước, sau khi biết sẽ không được cấp bằng tốt nghiệp THCS và THPT khi ra trường.

"Mấy ngày nay, cả lớp em náo loạn. Vì chưa rõ lý do, các bạn vừa bức xúc, vừa lo lắng, không biết ra trường có được bằng không. Nếu không có bằng văn hóa, liệu em có thể xin được việc hay học tiếp lên đại học?", Quỳnh Anh nói.

Vào trường Múa từ năm lớp 7, nay đã được 4 năm, Quỳnh Anh đứng trước nguy cơ ra trường mà trình độ văn hóa vẫn chỉ ở mức 6/12 dù ngày nào cũng phải học chuyên môn vào buổi sáng, học văn hóa vào buổi chiều.

Không chỉ học viên, phụ huynh có con đang học trường Múa hoặc tốt nghiệp năm 2019, 2020 cũng đứng ngồi không yên, nhiều lần gửi đơn kêu cứu tới khắp các bộ, ban, ngành, nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Có con học K2 Kịch múa, anh Hoàng Mạnh Cường kể năm ngoái sau khi con gái sinh năm 2001 tốt nghiệp và nhận bằng cao đẳng của Học viện Múa Việt Nam, con đăng ký dự thi hệ đại học chính quy ngành Biên đạo múa của Đại học Sân khấu - Điện ảnh với mong muốn được học lên cao hơn, sau này có thể đi dạy.

Với 6 năm học múa chuyên nghiệp, con gái anh Cường vượt qua kỳ thi chuyên môn và trở thành một trong những tân sinh viên Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Tuy nhiên, học được một tháng, nhà trường thông báo con anh không đủ điều kiện tiếp tục học do thiếu bằng tốt nghiệp THPT.

"Tôi rất bất ngờ nhưng nghĩ chắc do Học viện Múa Việt Nam chưa kịp cấp. Đến trường 5-6 lần để hỏi bằng cho con, tôi mới nhận được câu trả lời là các con có điểm, có học bạ, nhưng không có bằng do không có mã định danh được theo dõi trong phần mềm quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội", anh Cường nói.

Hàng trăm học viên Học viện Múa kêu cứu
Học viện Múa Việt Nam nằm trên phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Dương Tâm.

Tìm hiểu thêm, anh Cường mới biết từ ngày 14/12/2017, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp với Học viện Múa Việt Nam, trong đó chỉ được đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, không đào tạo văn hóa.

Dù biết vậy, Học viện Múa Việt Nam không liên kết với cơ sở đào tạo văn hóa đủ điều kiện mà tiếp tục giảng dạy như trước đây, cũng không thông báo tới phụ huynh. Điều này dẫn đến tất cả học viên không có mã định danh, không có bằng tốt nghiệp THCS và THPT.

"Con chúng tôi vào trường Múa, được học văn hóa rất bài bản, không khác gì các trường THCS, THPT công lập. Việc tổ chức học quy củ, có thời khóa biểu, kiểm tra, báo điểm về cho phụ huynh định kỳ, thậm chí những em không đạt còn phải thi lại. Hết lớp 12, trường tổ chức thi tốt nghiệp THPT với ba môn Văn, Sử, Địa, nhưng chẳng có tấm bằng tốt nghiệp nào cả", anh Cường tiếp tục giãi bày.

Hiện, con gái anh Cường đã tốt nghiệp, không được học Đại học Sân khấu - Điện ảnh dù đủ điểm đỗ. Con anh đang phải đi dạy theo giờ ở các trung tâm, nơi chỉ yêu cầu năng lực chứ không cần bằng cấp, nhằm có thu nhập, có điều kiện tập luyện trong thời gian chờ giải quyết.

Chị Thu Thủy, một phụ huynh khác có con học K2 Kịch múa, cho biết khi vào trường, phần lớn học sinh mới học hết lớp 6. Trong giấy triệu tập nhập học, trường ghi rõ nhập học hệ cao đẳng chính quy, yêu cầu rút hết hồ sơ bên ngoài trường, bao gồm cả học bạ và cho biết sẽ đào tạo song song cả văn hóa và chuyên môn trong trường. Vì vậy, gia đình đã rất tin tưởng cho con vào học.

Đến giờ, khi không thể được nhận bằng tốt nghiệp THCS và THPT, chị Thủy bức xúc, đi chất vấn Ban giám đốc Học viện Múa Việt Nam. Câu trả lời nhận được là chỉ có cách cho toàn bộ học viên quay lại học văn hóa từ lớp 7 với một đơn vị liên kết đủ điều kiện.

"Đặc thù ngành Múa tập luyện lâu năm, khi ra trường tuổi nghề rất ngắn, việc học lại văn hóa từ lớp 7 trong khi các con đã 18 tuổi liệu có chấp nhận được không? Chúng tôi sốc, không thể tưởng tượng ngần ấy năm các con học hành vất vả mà giờ trắng tay. Nhiều cháu ra trường không thể xin việc", chị Thủy nói.

Sáng 31/3, VnExpress đã liên hệ trực tiếp với Ban giám đốc Học viện Múa Việt Nam, nhưng không nhận được phản hồi.

Phía Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cơ quan chủ quản Học viện Múa Việt Nam, cho biết đang tìm phương án xử lý để đảm bảo quyền lợi cho học viên.

Theo Dương Tâm (Vnexpress.net)

Nổi bật