Tại dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT vừa được Chính phủ trình Quốc hội, Bộ Công an đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy tắc giao thông. Theo đó, người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tham gia giao thông phải chú ý bảo đảm an toàn cho trẻ em, người già, người khuyết tật, người đi bộ và người điều khiển phương tiện giao thông thô sơ đường bộ. Đáng chú ý, dự thảo quy định trẻ em dưới 12 tuổi không được ngồi ghế phía trước và trẻ em dưới 4 tuổi phải có ghế chuyên dụng.
Cụ thể, tại Khoản 4 Điều 7 về quy tắc giao thông đường bộ quy định: Trẻ em dưới 12 tuổi hoặc dưới 1,35 mét được chở trên xe ô tô chở người không được ngồi hàng ghế trước (vị trí cạnh người lái xe) khi tham gia giao thông đường bộ, trừ trường hợp đối với xe chỉ có một hàng ghế. Đối với trẻ em dưới 4 tuổi, Dự thảo quy định phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em. Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em.
TS Phan Lê Bình, giảng viên Trường Đại học Việt - Nhật cho rằng, khi quy định này thành hiện thực việc cưỡng chế thực thi bằng cách nào, chứng minh để xử phạt sẽ rất khó, dễ xảy ra tranh cãi. Làm thế nào để chứng minh trẻ em đó dưới 12 tuổi hay dưới 1,35 mét. Tại sao lại phải đưa ra thông số dưới 12 tuổi và dưới 1,35 mét, quy định có vẻ khiên cưỡng khi hiện nay nhiều em 12 tuổi nhưng chiều cao và cân nặng cũng không thua kém gì người lớn.
"Cần phân tích các vụ tai nạn để thấy nguyên nhân, khuynh hướng. Ví dụ trong các vụ tai nạn phân tích có nhiều trẻ em không thắt dây an toàn cho nên khi xảy ra tai nạn bị thương vong. Trong các vụ tai nạn có tỷ lệ cao trẻ em dưới 1,35 m hay dưới 12 tuổi bị chấn thương do đập mặt vào taplo xe. Muốn làm luật phải căn cứ trên dữ liệu, có được con số đó quy định mới thuyết phục", ông Bình nói.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Quản trị viên diễn đàn Oto+ cho biết, theo quy định của quốc tế, ghế phía trước tiếp cận với vùng nguy hiểm cao hơn, trẻ em ngồi thường có chiều cao ngang với taplo xe nên khi không may xảy ra va chạm, túi khí nổ sẽ dễ bị chấn thương. Vì vậy, quy định này đưa ra nhằm bảo vệ trẻ em tránh khỏi chấn thương.
Tuy nhiên, ông Thắng băn khoăn về tính khả thi của quy định này. Cách nào để chứng minh các dữ liệu về trẻ em dưới 12 tuổi hoặc cao dưới 1,35 mét. trong khi các em chưa có căn cước công dân, chẳng nhẽ mỗi khi ra đường lại phải mang theo giấy khai sinh hay sổ hộ khẩu? Rồi phải chứng minh chiều cao dưới 1,35 m, lực lượng CSGT lại phải mang theo cân sức khỏe có mặt bằng phẳng để đo. Rồi cách đo như thế nào, không phải đâu cũng có chỗ bằng phẳng để đo, chỉ sai vài ly cũng sẽ gây tranh cãi.
HP (Nguoiduatin.vn)