Ô tô dừng quá 5 phút sẽ bị phạt: Cánh tài xế nói gì?

23/09/2020 07:54:38

Trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ có quy định ô tô không được dừng quá 5 phút. Điều này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía chuyên gia và cánh tài xế.

Giảm thời gian dừng xe để tránh tắc đường

Dự thảo Luật Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo vừa được Chính phủ trình Quốc hội. Trong đó có nhiều điểm mới so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Tại khoản 1, điều 18 dự thảo Luật này có quy định: “Dừng xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông trong thời gian không quá 5 phút và người điều khiển phương tiện không rời vị trí điều khiển, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện xuống để mở cửa xe, xếp dỡ hàng hóa, kiểm tra kỹ thuật xe”.

Như vậy, so với trước đây không hề “đóng khung” về thời gian thì tại dự thảo Luật mới đã quy định rõ thời gian dừng xe, cụ thể là tài xế chỉ được dừng xe dưới 5 phút. Nếu quá thời gian nói trên, tài xế có thể bị xử phạt.

Ô tô dừng quá 5 phút sẽ bị phạt: Cánh tài xế nói gì?
Hiện nay, ô tô không bị khống chế thời gian dừng xe. Ảnh: Hoàng Hiệp

Đánh giá về điểm mới này, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng đây là một đề xuất phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Mục đích quy định về thời gian như vậy là để tránh tắc đường, nhất là vào giờ cao điểm trong thành phố.

“Việc dừng xe để các tài xế giải quyết những việc cơ bản như cho người lên xuống, lấy đồ, chuyển hàng chứ không phải dừng mãi không di chuyển. Trong điều kiện hiện nay, nếu xe nào cũng dừng mà như đỗ thì không hạ tầng nào có thể kham nổi”, một chuyên gia giao thông chia sẻ với VietNamNet.

Ông Nguyễn Xuân Khoát (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, tại khu phố cổ nơi ông sinh sống có nhiều ô tô dừng đỗ rất “tréo ngoe”, có xe dừng cả tiếng đồng hồ chắn cả lối ra vào nhiều cửa hàng khiến công việc kinh doanh, buôn bán bị ảnh hưởng.

“Nếu có việc cần dừng ô tô vài phút thì chúng tôi còn thông cảm được, chứ đứng ì ra, bưng kín lối ra vào cửa hàng thì chúng tôi rất khó chịu. Mà ra nhắc thì họ nói ở đây không cấm dừng, cũng không làm gì được”.

Do vậy, ông Khoát cho rằng, quy định thời gian dừng xe như tại dự thảo Luật mới là hợp lý, rất phù hợp với các khu vực đô thị “đất chật người đông” như Hà Nội hay TP.HCM.

Đồng tình với ý kiến trên, anh Hoàng Duy Dũng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, một số tuyến phố có mặt cắt đường hẹp nhưng chỉ có biển cấm đỗ xe, không cấm dừng xe. Nhiều lái xe cố tình dừng rất lâu gây ùn tắc giao thông mà lực lượng chức năng cũng không thể xử phạt được.

“Việc quy định thời gian dừng xe không phải là mới, nhiều sân bay, ga tàu, trung tâm thương mại hay trạm thu phí,… đã quy định từ lâu để tránh việc dừng xe gây cản trở giao thông”, anh Dũng nói.

Lái xe vẫn lăn tăn

Ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM hiện nay, rất nhiều tuyến phố có mật độ giao thông cao được cắm biển cấm dừng đỗ xe. Thực tế, việc tìm được nơi đỗ xe “free” tại khu vực nội thành không phải dễ.

Để linh động và giảm chi phí, cánh tài xế taxi, xe công nghệ thường phải dừng tạm tại lề đường trong lúc chờ khách. Nếu quy định mới được áp dụng, hàng chục ngàn tài xế này sẽ gặp khó khi dừng 5 phút lại phải di chuyển. 

“Dừng xe dưới 5 phút quá ngắn, khi chưa có khách thì chúng tôi sẽ phải chạy vòng vèo, gây tốn xăng và lái xe nào cũng như vậy còn khiến đường tắc hơn. Chưa kể, bị khách cho “leo cây” 15-20 phút là bình thường”, anh Đinh Duy Nam - lái xe của hãng taxi G7 nói.

Cùng quan điểm trên, anh Nguyễn Văn Định, lái xe cho một công ty dịch vụ chuyển nhà tại Hà Nội cho hay, do đặc thù nên khi dừng xe để chuyển đồ, hàng hoá thường phải mất 20-30 phút. Nếu chỉ được dừng không quá 5 phút, nhiều gia đình, công ty sẽ khó khăn trong việc vận chuyển đồ đạc bằng ô tô.

“Chúng tôi thường chuyển nhà trong khung giờ thấp điểm, tìm nơi dừng đỗ thích hợp để ít ảnh hưởng nhất đến giao thông. Hơn nữa, nhiều tuyến đường đã cấm xe theo giờ, thế nên có thêm quy định dừng xe không quá 5 phút sẽ gây khó cho cả lái xe lẫn người dân”, anh Định chia sẻ.

Ô tô dừng quá 5 phút sẽ bị phạt: Cánh tài xế nói gì? - 1
Nhiều địa phương đã có quy định về thời gian dừng xe trên một số khu vực từ lâu.

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Xuân Tuấn – Chủ tịch Liên minh Kinh tế điện tử 4.0 (đơn vị có hơn 20.000 đối tác thành viên là các tài xế taxi công nghệ) cho rằng, quy định trên nếu được áp dụng đại trà sẽ có điểm chưa hợp lý.

Ông Tuấn nhận định, việc quy định cứng thời gian dừng xe dưới 5 phút sẽ gây ra tâm lý sợ bị phạt, khiến lái xe luôn phải vội vàng, hấp tấp. Điều này có thể gây ra những hệ luỵ như mất an toàn giao thông, quên đồ,…

“Quy định dừng xe không quá 5 phút có thể hạn chế được ùn tắc ở một vài tuyến phố tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM. Nhưng để áp dụng trong phạm vi toàn quốc sẽ là không phù hợp và máy móc”, ông Tuấn nói.

Vị chủ tịch này dẫn chứng, Luật Giao thông đường bộ hiện hành đã quy định rõ chỗ nào cấm dừng đỗ xe. Các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế có thẩm quyền quy định về việc này. Nếu "đóng đinh" đại trà thì chính lực lượng chức năng cũng không đủ khả năng để giải quyết triệt để được.

“Theo tôi cái gì đã đi vào luật mà quá trình áp dụng không ảnh hưởng xấu đến hoạt động xã hội, đến lợi ích của người dân thì cân nhắc có nên thay đổi hay không”, ông Nguyễn Xuân Tuấn chia sẻ.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, quy định nói trên mục đích là tốt, tuy nhiên lại rất khó thực hiện và dễ xảy ra tranh cãi giữa lực lượng chức năng với lái xe. Hơn nữa, để quản lý thời gian dừng xe theo quy định buộc phải sử dụng máy móc, công nghệ, camera giám sát làm căn cứ xử lý sai phạm.

Với 8 chương 93 điều, Luật Bảo đảm Trật tự an toàn giao thông đường bộ (dự thảo) bao gồm các nội dung quy định về: Hệ thống báo hiệu đường bộ; quy tắc giao thông đường bộ; phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; tổ chức chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; thực thi pháp luật và trách nhiệm pháp lý; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đây là dự thảo Luật được Bộ Công an chủ trì soạn thảo, tách biệt hẳn với phần Hạ tầng giao thông đường bộ (do Bộ Giao thông vận tải chủ trì soạn thảo) khỏi Luật Giao thông đường bộ 2008 hiện hành.

Theo Hoàng Hiệp (VietNamNet)