Bình Dương: 13 nữ công nhân nhập viện do ngộ độc khí NH3 từ cơ sở sản xuất nước đá

17/07/2018 17:50:03

Cơ sở sản xuất nước đá bị rò rỉ khí NH3 khiến nhiều công nhân bị ngộ độc.

Sáng 17/7, bệnh viện (BV) Hoàn Mỹ Vạn Phúc 1 (Bình Dương) cho biết, vừa qua nơi đây đã tiếp nhận 13 nữ công nhân vào cấp cứu do bị ngộ độc khí amoniac (NH3). Được biết bệnh nhân bị ngộ độc khí NH3 từ 1 cơ sở chế biến nước đá cách công ty khoảng 200 – 300m.

Theo thông tin ban đầu, cơ sở sản xuất nước đá có thể tích bể chứa khí NH3 bị rò rỉ khoảng 1,5m. Amoniac sau khi rò rỉ đã lan vào khu vực nhà xưởng của Công ty TNHH Recious Garments Việt Nam gần đó khiến ít nhất 15 công nhân bị ngộ độc. 2 người trong số này được chuyển xuống BV Đa khoa tỉnh Bình Dương.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngất, khó thở, chóng mặt, nôn mửa,… May mắn nhờ được điều trị kịp thời, hiện tình trạng bệnh nhân đã ổn định.

Bình Dương: 13 nữ công nhân nhập viện do ngộ độc khí NH3 từ cơ sở sản xuất nước đá
Các bệnh nhân bị ngộ độc đang nằm tại BV Vạn Phúc được bác sĩ thăm khám.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Hoàn Mỹ Vạn Phúc 1 cho biết, amoniac được sử dụng phổ biến nên người dân vẫn thường xuyên ở gần hoặc tiếp xúc với loại khí này mà không hay biết. Mức độ nguy hiểm cho cơ thể con người tùy thuộc vào đường tiếp xúc, liều lượng và thời gian.

Ở nồng độ thấp có thể dễ dàng nhận ra mùi nhưng không gây ra độc tính cho cơ thể, trừ các trường hợp tiếp xúc thường xuyên và kéo dài. Tuy nhiên, với nồng độ cao hơn, nhất là khi hít phải, NH3 có thể ngay lập tức gây ra ho, đau ngứa mũi họng, phỏng da, niêm mạc hầu họng và đường tiêu hóa, mù mắt và tổn thương trên phổi.

Bình Dương: 13 nữ công nhân nhập viện do ngộ độc khí NH3 từ cơ sở sản xuất nước đá - 1
Bác sĩ cảnh báo khi bị ngộ độc NH3, biện pháp đầu tiên là cách ly bệnh nhân ra khỏi nơi nhiễm.

Các trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể nhanh chóng rơi vào hôn mê và tử vong.

Theo bác sĩ, hầu hết bệnh nhân ngộ độc NH3 là do hít phải, một số ít trường hợp do uống nhầm hoặc tiếp xúc qua da.

"Biện pháp xử trí đầu tiên là cách ly bệnh nhân nhanh chóng ra khỏi nơi bị nhiễm, cởi bỏ quần áo nếu có dính NH3, tắm rửa sạch cơ thể, rửa mắt nếu có tiếp xúc qua da.

Trong trường hợp bệnh nhân nuốt phải NH3, cần cho bệnh nhân súc miệng nhiều lần bằng nước sạch và uống 1 – 2 ly sữa để trung hòa dung dịch này trong dạ dày.

Không sử dụng bất cứ loại nước có gas nào hoặc các loại dầu vì có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh. Sau đó, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất" - bác sĩ Cường cảnh báo.

Theo Hoàng Lê (Thời Đại)