Tử vong vì ngộ độc chất tẩy rửa trong quá trình vệ sinh nhà bếp
Nguồn tin từ Dailymail cho hay, một phụ nữ 30 tuổi ở Madrid, Tây Ban Nha, đã tử vong do ngộ độc chất tẩy rửa vệ sinh bếp. Sự việc xảy ra vào ngày 9/7 sau khi nạn nhân vệ sinh bếp suốt 2 giờ bằng chất tẩy rửa chứa amoniac.
Khoảng 3 giờ chiều cùng ngày, một phụ nữ đã gọi đến số điện thoại cấp cứu 112 của Tây Ban Nha, báo rằng cô cảm thấy khó thở. Tuy nhiên, khi đội cứu hộ tới nơi, gọi cửa không có ai trả lời nên họ buộc phải phá cửa để vào.
Khi vào nhà, đội cứu hộ phát hiện người phụ nữ nằm trên sàn nhà bếp, đang bị lên cơn đau tim. Các nhân viên y tế đã thực hiện cấp cứu cho cô trong 30 phút nhưng cuối cùng cô đã tử vong. "Mọi dấu vết cho thấy cô ấy bị ngộ độc chất tẩy rửa do hít phải khí amoniac", phát ngôn viên của Cơ quan An ninh và Trường hợp khẩn cấp Madrid cho biết.
Ngộ độc đến độ tử vong do tiếp xúc với chất tẩy rửa vệ sinh trong gia đình từ trước đến nay là chuyện hiếm gặp, trong khi trước đó những trường hợp ngộ độc, ngạt thở do khí amoniac trong quá trình làm việc, lao động không thiếu. Mặc dù vậy, đây có thể coi là hồi chuông cảnh báo cho nhiều bà nội trợ hàng ngày luôn miệt mài dọn dẹp nhà cửa. Điều này cảnh báo chúng ta cần hết sức chú ý tới các loại chất tẩy rửa ngay trong nhà bếp của mình.
Cảnh giác khí amoniac có trong những loại chất tẩy rửa vệ sinh nhà bếp, nhà vệ sinh…
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn (khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), amoniac (NH3) là một trong những loại khí độc rất nguy hiểm. Ở nhiệt độ phòng, amoniac là khí không màu, có mùi hăng khai và nhẹ hơn không khí, dễ dàng hòa tan trong nước.
"Khí amoniac thường bị nén dưới dạng lỏng khi ra tiếp xúc với không khí sẽ chuyển thành hơi. Ở dạng hơi nồng độ của nó sẽ rất cao. Vì vậy, những tai nạn về amoniac rất nguy hiểm bởi tốc độ lan rộng của hơi nhanh và ngưỡng gây độc từ tỉnh táo tới hôn mê lại rất hẹp. Một người vừa nhận thấy có biểu hiện cay mắt đã có thể chuyển sang trạng thái hôn mê khi tiếp xúc ở nồng độ cao", PGS Côn cho biết.
Ở nồng độ cao, khí này có thể ngay lập tức gây phỏng da, mắt, mũi, họng, đường hô hấp, thậm chí dẫn đến mù, tổn thương phổi và tử vong. Hít phải amoniac nồng độ thấp hơn sẽ gây ho, kích ứng mũi, họng, nuốt vào cơ thể gây bỏng miệng, họng và dạ dày.
Nếu tiếp xúc trực tiếp với amoniac đậm đặc, các bộ phận như da, mắt, họng, phổi có thể bị bỏng nặng, gây mù vĩnh viễn, dẫn đến bệnh phổi hoặc ngay lập tức tử vong. Nếu vô tình ăn hoặc uống loại chất này có thể bị bỏng miệng, họng, dạ dày, đau dạ dày nghiêm trọng…
"Người tiếp xúc với khí amoniac ở nồng độ thấp như nhà vệ sinh công cộng thì sẽ thấy cay mắt. Nhưng nếu ở nồng độ cao hơn sẽ tác động mạnh đến hệ thần kinh, bạn dễ rơi vào tình trạng hôn mê, mất ý thức. Lúc này, không được phát hiện và cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể bị tử vong ngay lập tức", PGS.TS Trần Hồng Côn khẳng định.b
Theo chuyên gia, chị em khi lau dọn nhà bằng dung dịch chất tẩy rửa chứa amoniac cần hết sức thận trọng. Nhiều người cho rằng sử dụng chất tẩy rửa pha thêm amoniac sẽ giúp lau rửa sạch sẽ hơn nhưng đây là suy nghĩ cực sai lầm.
Thuốc tẩy và amoniac kết hợp với nhau sẽ sinh ra một loại khí độc hại có tên là chloramine. Loại khí này gây ra những phản ứng tương tự giống như khí clo là khó thở và tức ngực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp. Nồng độ cao của amoniac và chloramine (khí có độc tính cao) còn có thể tạo ra một chất nổ nguy hiểm. Nhiều loại nước tẩy có chứa amoniac, khi kết hợp thêm với thuốc tẩy sẽ khiến tình trạng thêm nặng nề.
Để sử dụng chấy tẩy rửa đúng cách, chúng ta nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Khi thực hiện lau dọn bằng chất tẩy rửa cần mở cửa cho thông thoáng để dễ bay mùi. Chất tẩy rửa không nên đổ sang những loại chai lọ khác nhau vì rất dễ nhầm lẫn.
Chú ý để chất tẩy rửa xa tầm tay trẻ em, tránh những hậu quả không mong muốn. Sau khi dùng chất tẩy rửa xong cần vệ sinh sạch sẽ, tránh bôi quệt vào da, vào mắt...
Theo Tiểu Nguyễn (Helino)