Dịch Covid-19 tại Đà Nẵng tiếp tục diễn biến phức tạp, với thêm nhiều ca mắc mới trong cộng đồng và đã lan tới các địa phương khác, trong đó có Hà Nội và TP HCM.
Không xác định được nguồn lây bệnh F0, virus gây Covid-19 tại Đà Nẵng cũng được xác định là chủng virus mới xuất hiện ở Việt Nam. Kết quả phân tích nguồn gene của virus từ các bệnh nhân cho thấy virus từ vùng dịch Covid-19 ở Đà Nẵng là chủng mới so với 5 chủng virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở Việt Nam. Chủng virus này có đặc tính lây lan nhanh hơn so với các chủng trước đây.
Đánh giá về chủng virus mới gây bệnh Đà Nẵng, các chuyên gia cho rằng, sự biến chủng của virus không phải là điều bất ngờ và nó cũng lý giải tại sao tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 ngày càng tăng nhanh trên thế giới. Chủng virus này cũng đã được ghi nhận tại một số nước trên thế giới.
Theo TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty một thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH, Bộ Y tế), với những virus ARN như dạng của SARS-CoV-2 thì virus luôn có những biến thể. Trước đây, phải ít nhất 1-2 tuần số ca mắc mới tăng lên đến 1 triệu, sau đó thời gian rút xuống còn 1 tuần đã có 1 triệu ca mới và đến nay, có thể chỉ 5 ngày số ca nhiễm đã lên mốc 1 triệu tại một quốc gia.
TS Đạt cho biết, tốc độ lây nhiễm nhanh của virus khiến các nhà khoa học phải đặt câu hỏi liệu virus có sự biến đổi hay không. Và đến nay, những biến đổi của virus chưa ảnh hưởng đến vùng gene các nhà nghiên cứu Việt Nam lựa chọn cho kháng nguyên và vaccine.
“Bản thân virus sẽ có những biến đổi và được đánh giá trên 2 đặc tính về lâm sàng, ví dụ chủng virus mới có khả năng lây nhiễm nhanh hơn và dễ lây nhiễm hơn. Thứ 2 là theo dõi về gene để tìm những biến đổi về di truyền. Đây là những mối quan tâm của những nhà làm vaccine. Quan trọng nhất là các nhà nghiên cứu phải lựa chọn vùng gene ổn định, ít những biến đổi nhất. Không phải toàn bộ con virus được sử dụng trong nghiên cứu vaccine nên sự biến đổi của con virus không phải là điều đáng lo ngại. Nghiên cứu vaccine chỉ sử dụng vùng gene gây ra các đáp ứng miễn dịch”, TS Đạt nói.
Cũng theo Chủ tịch VABIOTECH, đến nay, các nhà nghiên cứu vaccine trên thế giới vẫn sử dụng vùng gene S, với mức độ ổn định về di truyền. “Nghiên cứu, sản xuất vaccine không chỉ dừng lại ở mức độ chỉ sản xuất một vài liều hoặc có vaccine đã là “may mắn”. Với yêu cầu về vaccine đại dịch lại là một câu chuyện lớn hơn nữa. Trong thời gian rất ngắn thế giới cần tới hàng tỷ liều và có nhà sản xuất công bố trong vài tháng có thể sản xuất hàng trăm triệu liều”, TS Đạt cho biết thêm.
Các nhà nghiên cứu trên thế giới đang chạy đua với thời gian để giải “bài toán vaccine đại dịch”. Thực tế, một nhà máy thông thường có công suất sản xuất được chục triệu liều vaccine mỗi năm. Nhưng thời gian đặt ra hiện nay là vài tháng, theo đó, đòi hỏi công nghệ, đáp ứng thế nào để sản xuất khối lượng hàng tỷ liều vaccine.
Các nhà nghiên cứu cũng phải xác định khả năng sản xuất để ưu tiên vaccine cho những đối tượng nguy cơ và chuẩn bị cho kịch bản tiếp theo để cung cấp vaccine cho cộng đồng lớn hơn.
Theo Thiên Bình (VOV.vn)