CNN dẫn lời các quan chức Nga nói rằng họ đang chuẩn bị để đến ngày 10/8 hoặc sớm hơn sẽ cho phép sử dụng loại vắc-xin do Viện Gamaleya ở Mátxcơva điều chế.
Theo đó, vắc-xin sẽ được dùng cho cộng đồng, trước hết là đội ngũ nhân viên y tế, các quan chức Nga cho biết.
“Đó sẽ là khoảnh khắc Sputnik”, ông Kirill Dmitriev, giám đốc quỹ tài sản đang tài trợ cho nghiên cứu vắc-xin của Nga, so sánh với sự kiện Liên Xô phóng thành công vệ tinh đầu tiên trên thế giới vào năm 1957.
“Người Mỹ ngạc nhiên khi họ nghe âm thanh của Sputnik. Với vắc-xin này cũng vậy. Nga sẽ đến đích trước”, ông Dmitriev nói.
Nhưng Nga chưa công bố dữ liệu khoa học nào về quá trình thử nghiệm vắc-xin. Những người hoài nghi cho rằng loại vắc-xin đó đang được đẩy nhanh do sức ép chính trị để đưa Nga vươn lên vị trí hàng đầu thế giới về khoa học.
Cũng có những lo ngại rằng quá trình thử nghiệm vắc-xin trên người được thực hiện chưa đầy đủ. Vài chục thử nghiệm vắc-xin COVID-19 đang được tiến hành khắp thế giới, nhưng các đơn vị phát triển lưu ý rằng vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi vắc-xin được chấp thuận đưa vào sử dụng cho cộng đồng.
Trong khi một số loại vắc-xin trên thế giới đã bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ 3, vắc-xin của Nga vẫn chưa hoàn thành giai đoạn 2. Đơn vị của Nga dự kiến hoàn tất quá trình này vào ngày 3/8, sau đó tiến hành giai đoạn 3 song song với quá trình tiêm vắc-xin cho các nhân viên y tế.
Các nhà khoa học Nga nói rằng vắc-xin của họ nhanh vì được phát triển dựa trên loại vắc-xin đã được tạo ra để chống những bệnh khác. Nhiều công ty và quốc gia khác cũng sử dụng cách thức này.
Moderna, hãng điều chế vắc-xin được chính phủ Mỹ hậu thuẫn và vừa bắt đầu giai đoạn thử nghiệm thứ 3 từ đầu tuần này, cho biết vắc-xin của họ dựa trên vắc-xin dùng để ngừa MERS. Dù cách làm này giúp đẩy nhanh quá trình điều chế và thử nghiệm, các nhà quản lý Mỹ và châu Âu yêu cầu phải tiến hành đầy đủ thử nghiệm về tính an toàn và hiệu quả.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết các binh lính nước này tình nguyện tham gia thử nghiệm trên người.
Alexander Ginsburg, giám đốc dự án, nói với CNN rằng bản thân ông cũng đã tự nguyện tiêm vắc-xin.
Giới chức Nga nói rằng quá trình phê chuẩn vắc-xin được đẩy nhanh vì tình hình đại dịch toàn cầu và bản thân nước Nga cũng đang gánh chịu nhiều tác động. Nước này đã có hơn 800.000 ca mắc được xác nhận.
“Các nhà khoa học của chúng tôi không chỉ tập trung vào việc đi đầu mà còn chú ý đến việc bảo vệ người dân”, ông Dmitriev nói.
Vắc-xin này dùng véc-tơ adenovirus ở người đã bị làm yếu để chúng không thể nhân bản trong cơ thể. Khác với hầu hết các loại vắc-xin dựa vào 2 véc-tơ, các bệnh nhân sẽ được tiêm mũi thứ hai để tăng hiệu quả phòng bệnh.
Các quan chức Nga nói rằng dữ liệu khoa học đang được sắp xếp và sẽ được công bố để giới nghiên cứu đánh giá và xuất bản và đầu tháng 8.
Tổ chức Y tế thế giới cho biết hiện chưa có vắc-xin MERS nào được phê duyệt.
Bộ Y tế Nga dù chưa xác nhận ngày phê duyệt vắc-xin vào tháng 8 nhưng cho biết các nhân viên y tế ở tuyến đầu sẽ được tiêm vắc-xin trước khi sản phẩm được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng.
Những thử nghiệm vắc-xin quy mô lớn ở Anh, Mỹ và một số nước khác đang được đẩy nhanh, nhưng chưa có thời hạn nào được đặt ra cho việc phê duyệt sản phẩm.
Thử nghiệm vắc-xin do ĐH Oxford và hãng dược AstraZeneca cho kết quả ban đầu rất hứa hẹn. Nhưng ông Mike Ryan, giám đốc điều hành Chương trình khẩn cấp của WHO, đầu tháng này nói rằng “vẫn còn chặng đường dài phải đi”.
Theo Bình Giang (Tiền Phong)