Lúc chưa có con, sáng hắn đi làm chiều tối mới về, là nằm ườn đợi cơm. Ăn uống no nê xong, hắn cắm rễ bên cái máy tính, việc nhà phó mặc cho chị. Mỗi tháng hắn nộp tiền thuê nhà, còn lại chẳng bận tâm. Lương hắn bao nhiêu, chị đừng hòng được biết.
Có con ra, hắn… cũng thế mà thôi. Bà ngoại lên trông con cho chị đi làm, bởi thời gian đầu con còn bé quá chưa đi lớp được. Thi thoảng hắn mới chơi với con được mươi mười lăm phút, rồi lại đùn cho vợ, cho bà ngoại. Lúc này, ngoài tiền nhà thì mỗi tháng hắn mua cho con 1 hộp sữa, chỉ 1 mà thôi.
Con cai sữa xong đi lớp, cũng là lúc hắn đi làm xa nhà. Tiền có vẻ kiếm được hơn, hắn nhận đóng tiền nhà và tiền học cho con. Còn lại, tất nhiên chị lo tất. Hắn kiếm được bao nhiêu, chị chẳng hề hay biết. Song cũng như trước kia, chị đều im lặng không nói năng gì.
Tết năm ấy, hắn về nhà trong tư thế ngẩng cao đầu, oai phong lắm. Chị nghe phong thanh hắn cho bố mẹ và em trai hắn, mỗi người đâu 10 triệu. Còn chú bác, ông bà nội ngoại ít hơn, tầm 3-5 triệu 1 người. Tất nhiên chẳng ai khoe vào mặt chị, họ bảo nhau giấu chị hết, nhưng vẫn có tiếng gió lọt ra. Trong khi hắn đưa cho chị được 3 triệu sắm Tết, không hơn không kém.
Bẵng đi một thời gian, lần ấy hắn về thăm nhà. Con trai nghịch ngợm trong lúc lục ví hắn, thấy rơi ra một tờ giấy chuyển tiền. Hắn chuyển trực tiếp từ chỗ công trình hắn làm về cho bố hắn, số tiền gần 200 triệu. Ừ, hắn chưa bao giờ hắn có ý định nói với chị những chuyện này. Chị lặng lẽ để lại chỗ cũ cho hắn, không trách móc nửa lời. Tiền trong tay người ta, một khi người ta tự nguyện đưa, nếu không ai bắt ép được?
Ít lâu sau, chị bị đau ruột thừa phải vào viện cấp cứu. Hắn đưa chị vào viện, đi làm thủ tục, nộp viện phí cho chị. Lúc chị ra viện, hắn bảo số tiền viện phí ấy trừ vào 2 tháng tiền nhà, tức là trong 2 tháng tới hắn chỉ đưa chị tiền học của con mà thôi. Chị không nói không rằng, hắn cũng chẳng để tâm, mặc định chị đã đồng ý.
Thêm một thời gian nữa, hắn bị tai nạn gẫy chân ở công trình chỗ hắn làm. Sau khi ra viện, sức khỏe hắn giảm sút, được công ty bồi dưỡng một khoản tiền rồi cho về nghỉ vô thời hạn. Số tiền ấy, hắn đổ vào viện phí cũng vừa hay hết. Còn chị đoán, trước đây tiền có bao nhiêu hắn gần như gửi về cho bố mẹ dưới quê hết. Bởi vậy, từ khi nghỉ việc ở nhà, hắn chẳng có tiền tiêu, gần như phụ thuộc hoàn toàn vào vợ.
Chị không càm ràm nửa lời, vẫn chi tiêu, lo lắng ăn uống trong nhà như bình thường. Nhưng chị bắt đầu giao việc đưa đón con đi học cho hắn, đón con về hắn phải tắm cho con và chơi với con. Ban đầu hắn kêu như vạc, song đâu còn cách nào khác, bởi thời thế bây giờ đã thay đổi rồi. Rời chị ra, ai nuôi sống được hắn? Có lần chị vô tình nghe được hắn gọi điện cho mẹ hắn dưới quê, bảo ông bà còn tiền thì gửi cho hắn. Giờ chân hắn chả được lành lặn như xưa, có đi xin việc sợ cũng khó, hắn muốn tự kinh doanh riêng gì đó. Nhưng năm ngoái ông bà vừa xây nhà rõ to, trong khi chị thừa biết ông bà giờ già cả lấy đâu ra thu nhập, em trai hắn chưa vợ đã đi làm mà lương được bao nhiêu? Vì thế, hắn chỉ đành thất vọng tiu nghỉu.
Khi hắn đã quen với việc chăm sóc con, thì chị cũng bắt đầu nhận thêm việc làm thêm để tăng thu nhập, thường về nhà khá muộn. Lúc này, nhiệm vụ dọn dẹp nhà cửa và cơm nước thuộc về hắn. Mới đầu hắn khó chịu lắm, vì vừa trông con, vừa làm đống việc không tên, hắn thực sự chịu không thấu. Nhưng rồi hắn buộc phải làm, bởi đâu còn cách nào khác. Giá như hắn có thể xin việc đi làm hoặc còn tiền thì tốt biết mấy.
Chị trở thành trụ cột kinh tế trong gia đình, còn hắn dần chuyên nghiệp với vai trò mới: người nội trợ, trông con. Từ đầu đến cuối, chị chưa phàn nàn hay trách móc hắn nửa lời. Thực ra hoàn cảnh hiện tại chưa chắc đã tệ hơn khi xưa. Trước đây hắn có tiền mà mẹ con chị đâu nhờ vả được gì nhiều? Bây giờ có hắn chăm lo gia đình, chị đâm ra có thời gian chuyên tâm lo sự nghiệp.
Nghĩ đến thời hoàng kim trong quá khứ, hắn nhiều đêm phải thở dài thườn thượt. Ai ngờ được thời thế có thể biến chuyển trong một cái chớp mắt. Khi xưa tiền tiêu xài thoải mái bao nhiêu, thì giờ cần gì phải ngửa tay xin vợ trong sự nơm nớp lo sợ vợ không đồng ý. Đúng là ngang trái làm sao!
Nhưng lúc khó khăn mới biết, thật sự đến cả bố mẹ, anh em ruột cũng chưa chắc dựa vào được. Người chịu cưu mang mình hóa ra lại chỉ có vợ, người trước đây hắn chẳng đặt mấy tầm quan trọng! Đang suy nghĩ miên man thì thấy con trở mình, hắn theo phản xạ vội vàng vỗ vỗ mông con, sợ vợ thức giấc theo, mai đi làm lại mệt. Thấy con ngủ ngoan mới thở phào, quay ra cũng tự dỗ mình vào giấc ngủ, sáng mai còn dậy sớm nấu bữa sáng cho cả nhà.
Theo Phạm Giang (Helino)