Sau hơn 1 giờ kiên nhẫn giơ tay phát biểu, bà Nguyễn Thị Nhạn mới có cơ hội phản ánh với ông Đinh La Thăng. Hành trình kêu cứu của hộ dân sống cạnh công ty kéo sắt, kẽm gây ô nhiễm kéo dài nhiều năm, gõ cửa nhiều cơ quan chức năng nhưng vẫn vô vọng. Thậm chí, bà Nhạn đã phải canh đến 3-4h sáng để gọi đến đường dây nóng của Bí thư Thành uỷ.
Tiếp nhận những bức xúc của người dân, Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng “truy” ông Nguyễn Thanh Liêm, Chủ tịch xã Xuân Thới Sơn. Trả lời câu hỏi của Bí thư về việc có hay không tình trạng ô nhiễm do Công ty Tấn Minh gây ra trên địa bàn xã, ông Nguyễn Thanh Liêm nói: “Xã đã có báo cáo lên huyện, huyện có văn bản báo cáo lên TP đề nghị xem xét giải quyết”.
Ông Thăng thị sát công ty gây ô nhiễm môi trường sau phản ánh của người dân. Ảnh: Hải An. |
Sau khi Chủ tịch xã ấp úng dẫn hàng loạt văn bản, Bí thư Đinh La Thăng truy tiếp: “Giấy phép của công ty cho kinh doanh cái gì?”. Chủ tịch xã nói: Công ty Tấn Minh được sản xuất sản phẩm bằng kim loại, gia công kẽm, sản xuất các sản phẩm từ giấy và bìa, may trang phục. Chủ yếu công ty này kéo kẽm.
Ông Thăng tiếp tục truy: “Công ty này hoạt động có tốt không?”. Sau khi chủ tịch xã trả lời "bình thường", Bí thư Thăng nghiêm khắc: “Vậy tại sao bị phạt nhiều thế. Một công ty hoạt động bình thường mà năm nào cũng bị phạt về ô nhiễm môi trường".
"Công ty này vi phạm pháp luật có hệ thống thì phải đình chỉ, chuyển đi nơi khác. Chúng ta tạo điều kiện kinh doanh cho các doanh nghiệp nhưng một đơn vị gây ô nhiễm môi trường như vậy sao vẫn để?”, ông Thăng nói.
Ngay sau buổi tiếp xúc cử tri, Bí thư Đinh La Thăng đã đến trực tiếp công ty Tấn Minh, nơi bị cử tri phản ánh gây ô nhiễm. Tuy nhiên, tại đây chỉ có 2 công nhân trông coi xưởng sản xuất chất đầy nguyên liệu sắt. Bí thư Thành uỷ chỉ đạo các ban ngành nhanh chóng tiến hành kiểm tra tình trạng ô nhiễm môi trường xung quanh công ty này.
Bên cạnh đó, Bí thư Thành uỷ cũng yêu cầu rà soát lại quy hoạch. “Nếu là đất dân cư, cây xanh thì phải cho di dời ngay cơ sở sản xuất này. Việc có ô nhiễm hay không, mức độ nào thì phải công khai cho người dân biết”, ông Thăng chỉ đạo.
Kêu cứu nhiều lần nhưng các cơ quan đùn đẩy nhau
Theo trình bày của bà Nguyễn Thị Nhạn, cử tri xã Xuân Thới Sơn, năm 2007, công ty TNHH Tấn Minh về ấp 2. Thời gian này, công ty hoạt động gây ô nhiễm môi trường bị người dân khiếu nại nhiều lần. Năm 2010, UBND huyện Hóc Môn đã ra quyết định cưỡng chế di dời đi nơi khác.
Tuy nhiên, một năm sau công ty này quay trở lại hoạt động và tiếp tục nhận quyết định xử phạt về hành vi gây ô nhiễm môi trường. Tháng 3/2014, công ty Tấn Minh bị UBND xã Xuân Thới Sơn xử phạt 2 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 30 ngày. Bà Nhạn phản ánh, công ty tuy nhận án phạt nhưng không hiểu sau vẫn hoạt động bình thường.
Bí thư Thăng yêu cầu rà soát quy hoạch nơi công ty gây ô nhiễm. Ảnh: Hải An. |
Đến tháng 9/2014, Tấn Minh tiếp tục bị xử phạt vi phạm với mức 5 triệu đồng và đình chỉ 9 tháng hoạt động. Bà Nguyễn Thị Nhạn đặt câu hỏi: “Chúng tôi không biết công ty có ai chống lưng không mà coi thường pháp luật, vẫn ngang nhiên hoạt động, khi có đoàn kiểm tra thì họ mới ngừng sản xuất, dọn dẹp sạch sẽ”.
“Sau nhiều lần tiếp tục kiến nghị lên huyện, thành phố, chúng tôi nhận được câu trả lời của các cơ quan chức năng là 'bụi và tiếng ồn nằm ở phạm vi cho phép'. Các cơ quan chấp nhận để chúng tôi phải hít bụi sắt sao? Lâu ngày sẽ phát sinh bệnh hiểm nghèo, ai sẽ chịu trách nhiệm cho chúng tôi đây?”, bà Nhạn bức xúc.
Theo Hà Hương (Zing.vn)