Sự việc một bệnh nhân tố bác sĩ chẩn đoán sai, cho thuốc phá thai tại bệnh viện FV (quận 7, TP.HCM) đang thu hút sự quan tâm của dư luận và là đề tài tranh cãi trong cộng đồng mạng, giới y khoa.
Que thử thai nhanh: Sáng âm tính, tối dương tính?
Theo chia sẻ của bệnh nhân Nguyễn Thị Mộng Châu trên tài khoản Facebook Chau Nguyen, sáng ngày 19/6 chị đến khám tại Bệnh viện FV, quận 7. Sau khi khám, siêu âm và thử nước tiểu bằng que thử thai nhanh, bác sĩ kết luận: "Không có thai nhưng có dịch ứ trong lòng tử cung. Trưa cùng ngày, chị Châu trở lại Bệnh viện FV để siêu âm tử cung và hai bác sĩ kết luận: "Kinh nguyệt nhiều và bất thường không đúng chu kỳ kinh nguyệt" và kê đơn thuốc uống để đẩy "dịch ứ" ra ngoài gồm 10 viên Misoprotol tab 200 mcg. Uống 2 viên /lần, ngày 2 lần trong 2 ngày.
Bệnh nhân Châu uống thuốc theo lời dặn của bác sĩ. Buổi tối, chị đang ngủ thì xuất hiện dấu hiệu máu chảy dữ dội và được chồng đưa vào Bệnh viện FV cấp cứu.
Tại đây chị được bác sĩ truyền máu. "Sau khi khám và đặt ống dẫn tiểu. Bác sĩ chẩn đoán tôi bị băng huyết do sảy thai và tiến hành test nước tiểu (cũng bằng que thử thai nhanh). Kết quả: Dương tính. Điều đó có nghĩa: Tôi có thai", chị Châu chia sẻ.
Bệnh viện FV nói gì?
Ngày 23/6, bệnh viện FV đưa ra thông cáo báo chí về vụ việc này. Trong đó, bệnh viện xác nhận có điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Thị Mộng Châu. Theo thông cáo này, phía bệnh viện đưa ra thông tin bệnh nhân từng dùng thuốc tránh thai khẩn cấp vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Những tuần sau đó, bệnh nhân bị chảy máu bất thường và quyết định đến FV. Bệnh nhân khám với bác sĩ Lê Thanh Hùng, bác sĩ khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện FV, vào sáng ngày 19/6.
Sau khi chia sẻ lại toàn bộ quy trình thăm khám, phía bệnh viện kết luận: "Bệnh nhân Mộng Châu đã bị hư thai gây ra chảy máu, kết quả siêu âm xác nhận không thấy thai, điều trị ngưng chảy máu bằng cách tháo lưu máu trong tử cung. Thực tế là kết quả xét nghiệm thử thai bằng nước tiểu ban đầu dương tính cũng sẽ không thay đổi cách điều trị. Việc hư thai có thể là do đã dùng thuốc ngừa thai khẩn cấp trước đó. Đối với Bệnh viện FV, việc thăm khám và chữa trị bệnh nhân được thực hiện theo quy trình của bệnh viện và dựa trên các chứng thực của y khoa. Các bác sĩ FV đã làm những gì tốt nhất cho sức khỏe của bệnh nhân trong trường hợp này".
Ngày 26/6, Bệnh viện FV tiếp tục đưa ra một thông cáo báo chí mới sau khi có kết luận của Hội đồng chuyên môn cấp cơ sở tại bệnh viện và khẳng định mọi chẩn đoán và biện pháp điều trị của các bác sĩ đối với bệnh nhân Châu là phù hợp.
Cuộc chiến trên mạng xã hội giữa bệnh nhân và bệnh viện
Sau những thông tin trên Facebook của bệnh nhân Nguyễn Thị Mộng Châu, về phía bệnh viện FV cũng liên tục đăng lên mạng xã hội thông cáo báo chí kèm theo lập luận chuyên môn nhằm bảo vệ cho bác sĩ và bệnh viện. Hai bên dường như chưa thể tìm được tiếng nói chung khi vào ngày 25/6 chị Châu tiếp tục đăng lên trang cá nhân về những hành xử thiếu tôn trọng của Bệnh viện FV đối với mình khi đi tái khám.
Sự cố y khoa này không còn là câu chuyện riêng của bệnh nhân và bệnh viện, trên group “Câu lạc bộ Quản lý y tế tư nhân (PHM)”, diễn đàn có mặt rất nhiều bác sĩ, nhà quản lý y tế cũng có rất nhiều nhận định, đánh giá sự việc theo nhiều góc nhìn khác nhau.
Thành viên Tuan Cao Van viết: “Nếu mà nói chẩn đoán chính xác không quan trọng vì phương pháp điều trị giống nhau ví dụ như thai lưu và dịch trong lòng tử cung, viêm Amidan với viêm họng,... thì trở thành những cỗ máy mổ và cấp thuốc thôi chớ không phải là bác sĩ. Cảm nhận sau đọc một thông cáo báo chí".
Thành viên Duy Minh lại có cách nhìn khác: “Trường hợp này về mặt chuyên môn là xử lý đúng. Khách hàng phàn nàn với chẩn đoán có thai hay không, phải đi lại nhiều lần... Vấn đề ở đây cần giải thích tốt cho khách hàng và xử lý khủng hoảng truyền thông tốt hơn để xứng tầm đẳng cấp bệnh viện”.
Những tranh cãi về sự cố y khoa tại Bệnh viện FV có lẽ chưa thể kết thúc trong nay mai, việc phân định đúng sai và mức độ thế nào từ mỗi bên có lẽ còn phải chờ câu trả lời từ phía các cơ quan chức năng.
Chẩn đoán sai không thể đưa ra hướng điều trị đúng
Trao đổi với phóng viên về phương pháp chẩn đoán mang thai bằng các xét nghiệm cận lâm sàng, một bác sĩ chuyên khoa I tại TP.HCM chia sẻ: “Thử thai bằng que thử thai nhanh là phương pháp thường được sử dụng ở tuyến cơ sở, nơi không có điều kiện để xét nghiệm nồng độ beta-HCG trong máu (hCG là chữ viết tắt của Human chorionic gonadotropin, một loại hormone thai kỳ được tiết ra bởi nhau thai)".
Bác sĩ này cho rằng thử thai bằng que thử thai nhanh tuy có thuận lợi về mặt thời gian, cho kết quả nhanh, chi phí thấp nhưng độ chính xác không cao. Đây là phương pháp định tính nên có thể gây ra dương tính giả hoặc âm tính giả. Các bệnh nhân có tiền sử chảy máu âm đạo kéo dài, có tiền sử dùng thuốc tránh thai khẩn cấp thì cần được cho chỉ định xét nghiệm định lượng beta-HCG trong máu để cho kết quả chính xác nhất việc có mang thai hay không.
Sau sự cố y khoa một ngày (ngày 20/6) chị Châu được chỉ định làm xét nghiệm định lượng beta-HCG trong máu, nếu nồng độ chất này thấp hơn 5,0 mIU/ml chứng tỏ bệnh nhân không mang thai. Tuy nhiên, kết quả có được sau xét nghiệm là 3.461 mIU/ml cùng với kết quả thử thai nhanh dương tính vào đêm hôm trước đã khiến cho chị Châu bức xúc và cho rằng việc chẩn đoán của bác sĩ sai dẫn đến các quyết định điều trị sai lầm mà chị là người phải gánh chịu.
"Khi siêu âm nghi ngờ có ứ dịch trong tử cung, bệnh nhân cần được làm xét nghiệm định lượng beta-HCG để xác định xem liệu có phải là thai lưu không. Khi chẩn đoán sai, giữa ứ dịch và thai lưu là rất khác nhau, từ đó cách xử trí cũng như cách tiên lượng và chăm sóc khác nhau. Việc dùng Misoprostol cho bệnh nhân được chẩn đoán là ứ dịch và điều trị ngoại trú là phù hợp. Tuy nhiên, dùng phương pháp điều trị tương tự đối với thai lưu là không phù hợp đặc biệt là việc điều trị ngoại trú, bệnh nhân cần được theo dõi, thai lưu có thể gây chảy máu không cầm được còn ứ dịch thì không. Chẩn đoán sai không thể đưa ra hướng điều trị đúng được", chuyên gia này khẳng định.
Theo Minh Trường (Tri Thức Trực Tuyến)