Cách đây 2 ngày, trên trang cá nhân của tài khoản có tên C. đăng tải một bài dòng trạng thái dài với nội dung bức xúc cách làm việc của bệnh viện FV (quận 7, TP.HCM), khiến chị bị ảnh hưởng nặng nề về sức khỏe, tinh thần.
Bệnh nhân có thai, bệnh viện nói chỉ là… "ứ dịch trong tử cung"?
Trong bài chia sẻ, chị C. cho biết vì nghi ngờ mình có thai nên sáng 19/6, chị đến khám tại bệnh viện FV (Quận 7, TP.HCM).
Tại đây sau khi siêu âm và thử nước tiểu, các bác sĩ kết luận chị không có thai nhưng có dịch ứ trong lòng tử cung. Chị tiếp tục được cho siêu âm tử cung và kết luận rằng có bất thường ở chu kỳ kinh nguyệt.
Để giải quyết tình trạng này, bác sĩ Lê Thanh Hùng, Khoa Sản phụ của BV đã kê 10 viên Misoprotol 200mcg cho bệnh nhân với liều dùng 2 viên/lần, kéo dài trong 2 ngày và giải thích với bệnh nhân rằng thuốc này có tác dụng đẩy "dịch ứ" ra ngoài.
Sau khi uống loại thuốc này vào chiều cùng ngày (kèm 1 viên Tranexamic acid 500mg), ít giờ sau chị C. đi vệ sinh ra 1 khối máu khoảng 5cm và máu bắt đầu ra âm ỉ.
"23 giờ đêm khi đang ngủ cùng con trai chưa đầy 2 tuổi thì tôi bị băng huyết. Máu xòa ra ướt đẫm cả băng vệ sinh, quần áo, giường chiếu và cả nền nhà. Tôi chạy vội vào toilet. Tại đây tôi băng huyết lần 2, máu chảy lênh láng khắp nền. Tôi bắt đầu choáng váng, xây xẩm hoa mắt và không còn nhìn rõ mọi vật xung quanh.
Lần thứ 3 tôi băng huyết. Lần này, không còn trụ vững nữa, tôi nằm bẹp xuống nền toilet. Tôi không nhớ mình đã nằm đó bao lâu, khi dần đủ sức tôi đã bò cố lết ra khỏi toilet và trườn dần đến cửa. Cố gắng hết sức ngồi dậy mở tay nắm cửa ra vào, tôi gọi "anh ơi" và cầu mong ai đó nghe thấy tiếng mình giữa đêm khuya…" – những dòng chia sẻ đầy đau đớn của chị C. trên mạng xã hội.
Ngay sau đó khi phát hiện sự việc, người nhà đã đưa chị C. trở lại Bệnh viện FV. Tại đây sau khi cấp cứu, truyền máu và dẫn nước tiểu, bệnh nhân được các bác sĩ thăm khám lại. Tuy nhiên lúc này, quá trình thử nước tiểu của bệnh nhân lại cho kết luận dương tính với việc mang thai.
"Tôi bật khóc như một đứa trẻ trong đau đớn. Tôi từ chối kết quả đưa ra vì trong cùng 1 ngày, 1 bệnh viện, 1 phương pháp test không thể có việc đau lòng này được…
Máu vẫn chảy, nước mắt vẫn rơi, ekip không thể tiến hành cầm máu cho tôi trong tình trạng bị sốc nặng về tinh thần lẫn thể xác. Bác sĩ quyết định gây mê và tiến hành mổ cấp cứu khẩn cho tôi. Chưa bao giờ tôi cảm nhận cái chết gần đến vậy" - chị C. kể tiếp.
Theo chị C., phía bệnh viện đã bất nhất trong việc xác định mình có thai hay không, dẫn đến sự việc người phụ nữ đã mất con và gặp nguy hiểm đến tính mạng.
Chị C. khẳng định bệnh viện đã kê đơn thuốc không phù hợp, không đúng với yêu cầu và mức độ bệnh. Bác sĩ của bệnh viện đã vi phạm "Lời thề Hippocrates" của Y khoa khi trao "thuốc gây sẩy thai" cho bệnh nhân.
Bệnh viện FV lên tiếng
Sau khi bài viết của chị C. đăng tải trên trang cá nhân đã khiến dư luận xôn xao, đa số điều đồng cảm cho nỗi đau của chị cũng như bức xúc vì cho rằng bệnh viện FV đã làm việc tắc trách, coi thường tính mạng bệnh nhân.
Đáp lại luồng thông tin này, lãnh đạo bệnh viện FV đã triệu tập tất cả các thành viên liên quan để tiến hành điều tra sự việc. Đến nay sau khi xem xét lại hồ sơ y khoa và toàn bộ quá trình điều trị, phía bệnh viện cho rằng thông tin mà người phụ nữ tên C. đăng tải là không đầy đủ, không khách quan và bị bóp méo.
Cụ thể, phía BV xác nhận có tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân N.T.M.C vào ngày 1/6. Theo bệnh sử trước khi đến BV khoảng 3-4 tuần, bệnh nhân đã dùng thuốc ngừa thai khẩn cấp sau khi quan hệ tình dục và sau đó bị chảy máu bất thường.
Tại BV FV, bệnh nhân được bác sĩ Lê Thanh Hùng, Khoa Sản phụ của BV FV thăm khám ban đầu. Xét nghiệm thử thai nhanh bằng nước tiểu cho kết quả âm tính.
Chị C. tiếp tục được bác sĩ Ngô Trung Nam siêu âm thai và cho kết quả "không có túi thai" mà có túi dịch, nhiều khả năng là máu đông.
Từ chẩn đoán này, ekip bác sĩ đã điều trị bằng thuốc Misoprostol để tử cung co bóp tống máu ra ngoài, vì bệnh nhân lo ngại phương pháp hút để tháo lưu máu trong lòng tử cung gây đau.
"Bác sĩ Hùng đã kê toa Misoprostol. Sau đó, bệnh nhân đã được giải thích rõ rằng nếu tình trạng chảy máu vừa phải thì không cần quay lại BV, nếu chảy máu nhiều thì bệnh nhân phải quay lại ngay. Misoprostol có tác dụng sau vài giờ. Bệnh nhân bắt đầu chảy máu nhiều vào tối muộn và quay lại bệnh viện lúc 11giờ 30 đêm ngày 19/6" – đại diện BV thông tin.
Lúc này, xét nghiệm thử thai nhanh bằng nước tiểu lại cho kết quả dương tính. Bệnh nhân được điều trị bằng hút lòng tử cung cầm máu và nằm viện vài ngày trước khi xuất viện.
Theo BV, khi bác sĩ Hùng thăm khám cho bệnh nhân vào buổi sáng, bác sĩ không thể nói với bệnh nhân là bệnh nhân có thai vì kết quả xét nghiệm thai nhanh qua nước tiểu là âm tính.
Tình trạng của chị C. là thai đã hư gây tụ dịch máu trong lòng tử cung, vì vậy cần phải điều trị để tháo lưu máu. Bệnh viện cho rằng bác sĩ điều trị như vậy là quyết định đúng.
"Nói cách khác, cho dù kết quả thử thai là dương tính hay âm tính, việc điều trị vẫn không thay đổi, đây là một trường hợp thai đã hư và cần phải được chấm dứt" – phía BV khẳng định và cho rằng việc bệnh nhân hư thai có thể do đã dùng thuốc ngừa thai khẩn cấp trước đó.
Bệnh viện FV kết luận việc thăm khám và chữa trị bệnh nhân đã dựa trên các chứng thực của y khoa, cũng như các bác sĩ đã làm những gì tốt nhất cho sức khỏe của bệnh nhân.
Tuy nhiên trong lời phản hồi của BV không đả động gì đến việc bệnh nhân có được thông báo rằng mình đã bị hư thai từ trước (như BV kết luận) và Misoprotol còn có tác dụng "phá thai" hay không.
BV cũng chưa giải thích rõ nguyên nhân vì sao ban đầu kết quả test thai cho chị C. là "âm tính" (không có thai) nhưng lại kết luận là "thai hư"?!
Trước câu hỏi có phải việc xác định bệnh nhân "có máu đông" mới chỉ dừng lại ở việc chẩn đoán chứ chưa kết luận chính xác, phía BV cho biết sẽ trả lời trong buổi gặp mặt trực tiếp với phóng viên.
Theo Hoàng Lê (Thời Đại)