Dưới góc nhìn pháp lý và nhân đạo, luật sư Lê Hằng – thành viên Công ty Luật TAT Law Firm, cho rằng đây là lúc chính quyền địa phương cần xử lý thận trọng, minh bạch, đúng pháp luật và đặt lợi ích của đứa trẻ lên hàng đầu.
Theo luật sư Hằng, ngay khi nhận được thông tin về việc một cháu bé bị bỏ rơi, chính quyền địa phương có nghĩa vụ lập biên bản xác nhận sự việc và tạm giao trẻ cho một cá nhân hoặc tổ chức đủ điều kiện chăm sóc – theo quy định tại Điều 14 Nghị định 123/2015/NĐ-CP.
Sau thời gian thông báo công khai (ít nhất 30 ngày) mà không có thân nhân đến nhận, UBND cấp xã sẽ thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ theo diện trẻ bị bỏ rơi. Trường hợp có người muốn nhận làm con nuôi, quy trình tiếp theo sẽ được thực hiện theo Luật Nuôi con nuôi năm 2010, bảo đảm đầy đủ điều kiện và tiêu chí do pháp luật quy định.
Luật sư Lê Hằng nhấn mạnh: “Không thể chỉ vì xúc động hay thiện chí nhất thời mà bỏ qua các bước pháp lý quan trọng. Việc nhận nuôi một đứa trẻ là nghĩa vụ lâu dài, có tác động tới toàn bộ tương lai của bé, vì vậy phải được lựa chọn kỹ lưỡng và khách quan”.
Khi có nhiều người muốn nhận nuôi: Cần quy trình minh bạch
Trong trường hợp có nhiều cá nhân, gia đình có nguyện vọng nhận nuôi cháu bé như tình huống đang diễn ra tại Cao Bằng, luật sư Lê Hằng cho rằng địa phương cần chủ động xây dựng quy trình rõ ràng, minh bạch.
Công khai tiêu chí và thời gian tiếp nhận hồ sơ: Người nhận nuôi cần có đủ điều kiện theo Luật Nuôi con nuôi, bao gồm độ tuổi, năng lực hành vi dân sự, điều kiện kinh tế, đạo đức và chưa từng bị xử lý về các hành vi xâm hại trẻ em.
Thành lập hội đồng xét duyệt khách quan: Việc chọn lựa ai sẽ nhận nuôi không nên chỉ do một cá nhân quyết định. Hội đồng có thể gồm đại diện UBND xã, Phòng LĐ-TB&XH, cơ quan công an và tổ chức bảo vệ trẻ em địa phương.
Ưu tiên lợi ích tốt nhất cho trẻ: Đó phải là nguyên tắc tối cao trong mọi quyết định. Ai có môi trường sống tốt, cam kết rõ ràng, và đáp ứng đầy đủ điều kiện mới được xem xét.
Sau khi nhận nuôi: Vẫn cần giám sát, bảo vệ quyền lợi trẻ
Việc giao con nuôi không đồng nghĩa chấm dứt trách nhiệm của chính quyền. Theo luật, trong vòng 3 năm đầu, người nhận nuôi phải báo cáo định kỳ về tình trạng phát triển của trẻ. Chính quyền địa phương cần có cơ chế giám sát, bảo đảm trẻ không bị bỏ rơi lần thứ hai hoặc rơi vào môi trường sống thiếu an toàn.
Luật sư Lê Hằng nhấn mạnh: “Nhiều gia đình xin nhận nuôi với thiện chí thật sự, nhưng nếu không được thẩm định kỹ lưỡng, có thể dẫn đến rủi ro tiềm ẩn về sau. Hãy đặt quyền lợi lâu dài của cháu bé lên trên tất cả”.
Từ vụ việc xúc động ở Cao Bằng, có thể thấy rằng ngoài lòng nhân ái của cộng đồng, Việt Nam cần một hệ thống hỗ trợ trẻ bị bỏ rơi hiệu quả hơn: từ cơ chế tạm nuôi, tư vấn tâm lý, chăm sóc y tế đến mạng lưới nhận nuôi gia đình bảo đảm chất lượng.
Câu chuyện về một đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi kèm bức thư ngắn ngủi là hồi chuông đánh thức trách nhiệm của cả hệ thống. Đó không chỉ là nghĩa vụ của địa phương nơi phát hiện ra trẻ, còn là trách nhiệm chung của xã hội – để những đứa trẻ sinh ra trong hoàn cảnh bất hạnh không bị đánh mất cơ hội có một mái ấm và một tương lai nhân văn hơn.
Theo Tiến Dũng (VietNamNet)