Có một lần, lái xe của tôi đề xuất phê duyệt tiền để đi đăng kiểm xe ô tô, tôi thấy có thêm một khoản mấy trăm ngàn, mà bạn lái xe giải thích là bồi dưỡng cho đăng kiểm viên. Tôi hỏi: “Vậy bồi dưỡng để làm gì?”.
Bạn lái xe trả lời: “Đấy là khoản tiền mà không có thì không làm được!” và chính người lái xe của tôi cũng coi “khoản tiền đó” là chuyện đương nhiên. Nhưng sau đó, tôi nói với người lái xe: “Từ lần đăng kiểm sau, tôi sẽ là người đi cùng bạn!”.
Ở lần đăng kiểm kế tiếp, tôi lái xe vào trung tâm, người lái xe của tôi nói: “Bình thường, mọi người sẽ để tiền lại xe cho người làm dịch vụ”. Tôi nói: “Hôm nay tôi sẽ không để một đồng nào cả và chúng ta cùng xem việc đăng kiểm diễn ra như thế nào?!”
Sau đó, việc đăng kiểm diễn ra bình thường, tôi cũng không phải chờ lâu. Tôi nghĩ, phương tiện của mình, xe của mình không có bất kì vấn đề gì, đến hạn thì chúng ta đến bảo dưỡng định kỳ thì chắc chắn sẽ đạt những yêu cầu đăng kiểm.
Vì vậy, khi đăng kiểm, mình không có nghĩa vụ phải trả những khoản tiền không rõ ràng đó và cũng không nên làm như vậy.
Khi tôi kể câu chuyện đó với bạn bè, nhiều người nói với tôi là: “Có đáng bao nhiều đâu, tại sao không làm cho nhanh”. Thậm chí có người cho rằng tôi ích kỷ, không phóng khoáng, rộng rãi.
Tôi lại có một cách nghĩ khác. Nếu bạn đầu tư một Trung tâm đăng kiểm, bạn chỉ cần làm tốt thôi, nếu lượng xe đông thì Trung tâm đó chắc chắn sẽ có lãi, thậm chí lãi lớn, khách hàng đều đặn.
Thật ra, không phải tôi không biết điều mà mọi người nói về việc để lại tiền trong xe, để tiền trong hộc chứa đồ... đã trở thành một thói quen.
Thói quen đó cộng với suy nghĩ của các đăng kiểm viên rằng, nếu ai đó không để tiền lại thì người ta sẽ khắt khe, bắt lỗi. Tôi thật ra cũng mong họ khắt khe, bắt lỗi để khi đăng kiểm, họ sẽ tìm ra các vấn đề mất an toàn kỹ thuật. Còn nếu họ không tìm được ra lỗi, thì tức là xe tôi đã an toàn.
Với nhiều người khác, có thể họ không muốn như vậy. Nhưng chúng ta không để ý rằng, chính việc để lại những đồng tiền tạm gọi là “bồi dưỡng” đó nó đã làm thay đổi dần và làm cho thái độ, trách nhiệm của các đăng kiểm viên đổi thay.
Họ có thể dễ dàng vì những đồng tiền như vậy để chấp nhận những chiếc xe không đủ an toàn mà vẫn được kiểm định. Và điều đó đe dọa đến sự an toàn của chính chúng ta.
Quan trọng hơn, nếu ai cũng làm như vậy thì những người bình thường khác sẽ bị làm khó, chính chúng ta rồi đến lúc sẽ bị làm khó, bởi có thể hôm nay là 1 đồng, nhưng ngày mai họ có thể mong muốn 2 đồng, 3 đồng, 5 đồng.
Đó là cách mà chúng ta tự làm khó mình, tự làm hỏng tất cả mọi thứ.
Nếu có thể, tôi kêu gọi mọi người nên chăm lo cho an toàn cho chiếc xe của mình, nhưng đừng làm hỏng chính mình và hệ thống đang phục vụ mình bằng việc bỏ lại những đồng tiền trên xe với hi vọng, những lỗi mất an toàn của xe được bỏ qua.
Hãy coi việc bỏ qua những cái lỗi đó là một thứ có thể đe dọa đến an toàn của chính mình.
Theo Phạm Quang Vinh (VOV.vn)