Bất cập đào tạo lái xe: Bắt học viên 'bò' trên đường

26/07/2023 07:07:55

Mục tiêu của việc ứng dụng công nghệ nhằm giám sát, ngăn ngừa gian lận trong đào tạo, sát hạch lái xe nhưng khi áp dụng mới bộc lộ nhiều bất cập, có độ "vênh" trong quy định.

Xe phải “bò” trên đường mới đúng quy định

Theo quy định, từ 15/6/2022, các cơ sở đào tạo phải lắp đặt thiết bị giám sát thời gian và quãng đường thực hành lái xe (DAT). Đây là điều chưa từng quy định trước đó.

Ngày 25/7, trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, thiết bị DAT là thiết thực, cần thiết vì nó giám sát được thời gian quãng đường học viên phải học. Thậm chí thiết bị này còn quản lý cả thời gian học lý thuyết.

Mục tiêu của thiết bị này nhằm tăng cường giám sát, ngăn ngừa gian lận, sai phạm trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

“Tuy nhiên, khi đưa các thiết bị công nghệ vào mới bộc lộ những bất cập, độ vênh trong quy định”, ông Quyền bày tỏ.

Theo đó, trong Chương trình đào tạo có nhiều nội dung chưa phù hợp, thậm chí có quy định không thể thực hiện được.  

“Cụ thể, tại khoản 7 điều 1 Thông tư 04 quy định: Thời gian học thực hành của 1 học viên là 84 giờ đối với hạng B1 (số sàn) và hạng B2. Trong đó có 3 giờ thực hành trên cabin điện tử, 41 giờ tương ứng với 290km thực hành trong sân tập (sa hình) và 40 giờ tương ứng với 810km thực hành trên đường giao thông.

Đây là quy định rất bất hợp lý. Đơn cử như quy định phải chạy 810km đường trường với thời gian tương ứng 40 giờ dưới sự giám sát của thiết bị DAT" - ông Quyền dẫn dụ.

Theo ông, thực tế tốc độ trung bình trên đường từ 40 – 45 km/giờ. Thiết bị DAT đã chứng minh chạy 810 km chỉ cần từ 18-20 giờ là xong.

Nếu thực hiện đúng 40 giờ học thực hành với 810km đường trường thì tốc độ trung bình chỉ đạt 20.2 km/h. Quy định này đã tạo áp lực cho giáo viên và học viên vì phải đi quá chậm - là một trong các nguy cơ gây ùn tắc và mất an toàn giao thông. 

Bất cập đào tạo lái xe: Bắt học viên 'bò' trên đường
Học viên bắt buộc phải trải qua 3 giờ tập lái trên cabin điện tử. Ảnh: Anh Hùng

Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đề nghị cần có rà soát, điều chỉnh cho phù hợp. Theo đó, không nên “quản lý” thời gian học thực hành lái xe trên đường ở quãng đường 810km như hiện nay.

Mặt khác, trong quá trình triển khai triển khai thực hiện đào tạo lái xe dưới sự giám sát của thiết bị DAT, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng nhận được nhiều phản ánh cho biết phần mềm cài đặt trên thiết bị không thống nhất.

“Mỗi nhà cung cấp thiết bị sẽ cài đặt phần mềm riêng của họ. Như thế độ chính xác, khả năng bị can thiệp vào để điều chỉnh dữ liệu rất cao. Đây là những vấn đề đặt ra đòi hỏi các cơ quan chức năng xem xét, điều chỉnh kịp thời”, ông Quyền nhấn mạnh.

Vì sao không tích hợp cabin điện tử vào phần mềm mô phỏng? 

Năm 2001, Bộ GTVT ban hành quy định trang bị cabin điện tử trong phòng học kỹ thuật lái xe tại các cơ sở đào tạo.

Tuy nhiên, từ năm 2007, quy định mới về đào tạo lái xe ô tô lại bỏ yêu cầu trang bị cabin điện tử. Từ đó, cabin điện tử không còn được sử dụng phổ biến trong đào tạo lái xe ô tô ở nước ta.

Đến năm 2022, tại Thông tư số 4, Bộ GTVT lại quy định các cơ sở đào tạo bắt buộc phải trang bị số lượng cabin điện tử tập lái tỷ lệ thuận với lưu lượng đào tạo.

Theo ông Quyền việc bắt buộc phải học trên cabin điện tử chưa được thực hiện thí điểm, chưa đánh giá hiệu quả của thiết bị nhưng đã được triển khai. Do đó, kể từ ngày 1/1/2023 khi quy định học trên cabin điện tử có hiệu lực, Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam nhận được nhiều ý kiến cho rằng quy định này không phù hợp.

Theo phản ánh từ các cơ sở đào tạo và qua kiểm nghiệm thực tế, sau khi lái thử khoảng 20 phút trên ca bin điện tử nhận thấy: Thiết bị cabin điện tử không gần với thực tế lái xe trên ô tô thật (rất ảo) nên hạn chế trong việc hỗ trợ để hình thành kỹ năng lái xe.

Cabin ảo có độ rung, độ lắc không sát với ngồi trên cabin thật. Chưa kể với độ rung, độ lắc, độ xóc rất mạnh làm cho người học say, choáng, chóng mặt, buồn nôn.

“Tôi được biết, một số giáo viên dạy lái kỳ cựu với nhiều năm kinh nghiệm nhưng vẫn khó khăn trong việc điều khiển ô tô trên màn hình đi đúng làn đường, theo đúng mong muốn”, ông Quyền nói.

Ngoài ra, một số nội dung ở phần học cabin điện tử (cũng lái xe trên đường đô thị, tránh người đi qua đường…) trùng với phần mềm mô phỏng.

“Thủ tướng đã có công điện, Chính phủ cũng mới ban hành Nghị quyết yêu cầu phải rà soát các điều kiện kinh doanh và giảm bớt tối thiểu 20% các điều kiện kinh doanh cho tất cả các lĩnh vực.

Tại sao không tích hợp cả nội dung học trên cabin điện tử và học trên phần mềm mô phỏng làm một mà lại tạo ra thành hai nội dung gây lãng phí?

Theo tôi cần nghiên cứu, tổng kết để đánh giá tính hiệu quả của cabin điện tử. Nếu thật sự không hiệu quả thì cho dừng trang bị thêm cabin điện tử. Thay vào đó, có thể kết hợp cabin điện tử với phần mềm mô phỏng”, ông Quyền kiến nghị.

Theo N.Huyền (VietNamNet)