Tiền tỷ mua cabin điện tử
Thực hiện Thông tư 04/2022 của Bộ GTVT quy định học viên phải học trên cabin điện tử, 56/63 cơ sở đào tạo lái ô tô tại TP.HCM đã lắp 73 cabin.
Trước mắt, Trường Trung cấp giao thông Tiến Bộ (quận Tân Phú, TP.HCM) đầu tư khoảng 10 cabin điện tử.
Bà Trần Thị Bích Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp giao thông Tiến Bộ chia sẻ, nhà trường đã đầu tư chi phí 400-500 triệu đồng/cabin, tương đương giá trị thật của 1 ô tô chạy trên đường. Ngoài ra, trường còn phải tốn thêm chi phí vận hành cabin và hạ tầng hoàn thiện đi kèm như đường truyền, điện.
Tương tự, Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe Bắc Hà (Từ Sơn, Bắc Ninh) cũng đã đầu tư 6 cabin nhưng mới chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu của học viên.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe Bắc Hà cho biết, ngoài 3 tỷ đồng đầu tư cho thiết bị giám sát DAT, năm 2022 cơ sở tiếp tục phải chi ra 3 tỷ đồng nữa để lắp đặt 6 cabin điện tử.
“Đây là mức chi phí cao đối với doanh nghiệp. Mỗi cabin trị giá khoảng 500 triệu đồng, gần bằng một ô tô thật. Tới đây, trung tâm dự kiến phải lắp đặt thêm 4 cabin nữa mới đáp ứng đủ nhu cầu của học viên”, ông Nghĩa thông tin.
Học viên chóng mặt, đau đầu, không thể ngồi cabin đủ 3 giờ
Để đủ điều kiện, đáp ứng nhu cầu của học viên, nhiều cơ sở dạy lái xe buộc phải chi tiền tỷ để đầu tư cabin điện tử. Tuy nhiên, khi PV VietNamNet tiếp xúc và ghi nhận ý kiến từ các học viên và chính các cơ sở đào tạo, kết quả lại gây bất ngờ.
Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, thực tế không có học viên nào ngồi đủ được 3 giờ trong cabin điện tử. Chính ông đã lên thử và không quá 20 phút đã chóng mặt, nhức đầu.
Theo bà Trần Thị Bích Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp giao thông Tiến Bộ, thực trạng trên xảy ra ở hầu hết các cơ sở đang thực hiện đào tạo bằng cabin điện tử cho học viên.
“Tại trường chúng tôi, một số học viên cảm thấy không đủ sức khỏe cho 1 phiên học cabin khoảng 30 - 60 phút vì xuất hiện các triệu chứng như đau đầu”, bà Thảo nói.
Đang trong thời gian chờ thi sát hạch, chị Hoàng Hải Minh (36 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, 3 giờ học trên cabin điện tử thực sự là rất cực hình.
Theo chị Minh, khi học trên cabin điện tử, học viên sẽ phải trải qua 8 bài như: Đi trong đô thị, đi trên đường cao tốc, đường trơn trượt, bài sa hình… Mỗi bài sẽ xuất hiện những tình huống để tránh. Chị Minh nhận định, nội dung trong bài học không tương đồng với thực tế ngoài đời.
"Có rất nhiều vấn đề gây khó khăn cho người học ở nội dung học trên cabin. Nói thật, nó giống trò chơi đua ô tô", chị Minh chia sẻ.
Chị Minh tự nhận là người có sức khỏe tốt, thần kinh tốt, nhưng khi bước vào phần bài học trên cabin ảo, chưa đến 1,5 giờ đã không chịu nổi. Dù quyết tâm học cho xong một buổi, nhưng đầu óc choáng váng, chị phải nghỉ hàng giờ mới đi về nổi.
Cùng chung cảm nhận, học viên Trường Lê Nguyên (ở TP.HCM) kể: “Ngồi học trên cabin khoảng 20-30 phút là cảm thấy chóng mặt, đau đầu. Học viên nào cũngcăng thẳng. Khi lên đó ngồi, gần như hai mắt phải dán vào màn hình led với khoảng cách quá gần, tôi phải cố gắng lắm mới học được 1,5 giờ, nếu học liền 3 giờ thì không sức ai chịu nổi”.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng học viên chóng mặt, đau đầu khi học trên cabin điện tử, ông N.V.D. (giám đốc một trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe tại Bắc Giang) cho rằng, do cabin ảo được thiết kế gồm 3 màn hình nối nhau.
“Cấu hình của máy rất thấp nên các tình huống đưa ra có độ trễ. Ví dụ như thao tác đánh lái trên ô tô thật thì xe quay ngay nhưng trên thiết bị phải đợi 2s ‘xe ảo’ mới quay.
Với tình huống tín hiệu đèn rẽ trái, học viên thao tác đúng nhưng xe không rẽ ngay làm học viên mất phương hướng”, ông N.V.D. chia sẻ.
Theo N.Huyền - Tuấn Kiệt - Bảo Khánh (VietNamNet)