Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp nhận trường hợp bé P.T.K.P (11 tuổi) bị đa chấn thương nghiêm trọng sau tai nạn giao thông. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng hôn mê, da xanh tái, huyết áp giảm thấp, máu chảy nhiều từ vùng mông - tầng sinh môn, xuất hiện vết thương phức tạp vùng mông, xương cùng cụt và bẹn.
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhi tại khoa Cấp cứu, BS. Bùi Đức Thọ đã đánh giá tính nghiêm trọng của tình trạng ca bệnh với sốc chấn thương - sốc mất máu, tiên lượng số lượng máu mất rất nhiều và đang tiếp diễn, đe dọa tính mạng, nguy cơ tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Ngay lập tức, các biện pháp hồi sức cấp cứu chuyên sâu được thực hiện, bao gồm đặt ống nội khí quản, thở máy để bảo vệ đường thở, truyền máu tối cấp cứu, đặt đường truyền trung tâm, dùng thuốc vận mạch duy trì huyết áp, băng ép cầm máu vết thương. Cùng lúc đó, kích hoạt báo động đỏ toàn viện, mời lãnh đạo Bệnh viện và lãnh đạo các chuyên khoa tiến hành hội chẩn trực tiếp tại giường bệnh, đưa ra nhận định mức độ tổn thương và lên kế hoạch điều trị.
Bệnh nhi nhanh chóng được chụp cắt lớp vi tính để đánh giá tổn thương toàn thân, với vùng bụng và khung chậu được tiêm thuốc cản quang trong quá trình chụp để đánh giá chính xác mức độ tổn thương mạch máu. Cuộc hội chẩn khẩn trương diễn ra ngay tại phòng chụp cắt lớp vi tính, dưới sự chủ trì của BSCKII.Nguyễn Văn Huy - Phó Giám đốc Bệnh viện, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, BSCKII.Nguyễn Đình Phúc - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp cùng lãnh đạo các chuyên khoa liên quan như khoa Can thiệp tim và mạch máu, khoa Ngoại thần kinh, khoa Chấn thương chỉnh hình, khoa Cấp cứu, khoa Huyết học - Truyền máu, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc,... Các tổn thương nhanh chóng được xác định: Tổn thương hệ thống mạch máu vùng chậu có chảy máu liên tục, chấn thương khung chậu, xương chậu, xương cùng cụt, tổn thương cột sống, ống sống và tổn thương đặc biệt nghiêm trọng các cơ quan trong ổ bụng như ruột non, đại trực tràng, các tổn thương phức tạp ở vùng tầng sinh môn và mông, ngoài ra còn có chấn thương sọ não kèm theo. Theo đó, các bác sĩ đã thống nhất phương án can thiệp, phẫu thuật phù hợp và lập kế hoạch điều trị cụ thể, kết hợp giữa hồi sức - can thiệp - phẫu thuật, vừa tiến hành chẩn đoán vừa xử lý tổn thương, phối hợp đa chuyên khoa, áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất.
Sau khi hội chẩn, bệnh nhi được chuyển thẳng từ phòng chụp cắt lớp vi tính đến phòng can thiệp tim - mạch máu tại Trung tâm Tim mạch. BSCKII. Nguyễn Văn Huy - Phó Giám đốc Bệnh viện, Giám đốc Trung tâm Tim mạch và BS. Bùi Đức Thọ - Khoa Cấp cứu cùng ekip đã thành công cầm máu các nhánh động mạch tổn thương bằng vật liệu GelFoam sinh học dưới hướng dẫn của máy chụp mạch số hóa xóa nền hện đại (DSA), qua đó kiểm soát nguồn máu chảy nguy hiểm từ động mạch thẹn (thuộc động mạch chậu trong).
Ngay sau đó, bệnh nhi được chuyển đến khoa Gây mê hồi sức để thực hiện hai ca phẫu thuật liên tiếp. Với nhóm phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật cột sống - thần kinh do BSCKII.Lê Thế Hoàng - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình đảm nhiệm, đã thực hiện kỹ thuật kết hợp xương chậu, xương cùng cụt bằng nẹp vít cố định và làm vững khung chậu. Từ đó, tạo điều kiện cho ca phẫu thuật ổ bụng kế tiếp được thực hiện bởi BSCKII. Nguyễn Đình Phúc - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp làm phẫu thuật viên chính đã thực hiện nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu như khâu phục hồi ruột non, khâu phục hồi các cơ vùng mông - cùng cụt, khâu phục hồi trực tràng, làm hậu môn nhân tạo 2 nòng, phục hồi cơ thắt hậu môn và xử lý các vết thương phức tạp vùng tầng sinh môn.
Toàn bộ quá trình can thiệp và phẫu thuật diễn ra trong hơn 7 giờ đồng hồ, với hơn 2500ml máu và 1500ml chế phẩm máu được truyền để bù vào lượng máu đã mất. Các chỉ số sinh tồn được duy trì ổn định trong suốt quá trình phẫu thuật. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng, được sự thống nhất cao giữa các chuyên khoa, cùng các kỹ thuật tiên tiến, chuyên sâu đã được áp dụng thành công, cứu bệnh nhi khỏi “lưỡi hái tử thần”.
Ngày 18/9, bệnh nhi đã được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) để tiếp tục theo dõi và điều trị. Cập nhật tình hình hiện tại bệnh nhi đã được rút ống nội khí quản, có thể tự thở và tỉnh trở lại.
Theo Nguyễn Thoa (Phụ Nữ Mới)