Mưa lũ lớn từ bão số 9, đường sắt Bắc - Nam tê liệt
Đến hơn 14 giờ chiều 25/11 sau khi đổ bộ vào thành phố Vũng Tàu, bão Usagi (cơn bão số 9 trong năm 2018) đã suy yếu thành một vùng áp thấp nhiệt đới. Tuy vậy, sức gió vùng tâm bão vẫn đạt cấp 7 - cấp 8.
Chiều cùng ngày, bão số 9 đã áp sát huyện Cần Giờ (TP.HCM) gây mưa giông rất lớn và gió mạnh.
Nhiều tuyến đường tại đây chìm trong biển nước, chia cắt giao thông. Sức gió của bão cũng khiến nhiều cây cối lớn ngã đổ. Các tỉnh miền Tây lân cận như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh cũng đang xuất hiện mưa.
Dù bão số 9 đã suy yếu và di chuyển chậm, tuy nhiên theo cơ quan chức năng vẫn chưa thể bảo đảm an toàn hoàn toàn.
Ghi nhận tại huyện vùng ven biển xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri (Bến Tre), bộ đội đồn biên phòng Hàm Luông cho biết, ít nhất 70 hộ dân đã được đưa vào diện di dời tránh bão số 9.
Trong đó có 30 hộ dân, với tổng cộng 60 nhân khẩu phần nhiều là người già và trẻ em đã được đưa vào nhà trú bão tạm của địa phương.
Theo một chiến sĩ đồn biên phòng, hiện thời tiết ở đây tương đối ổn định, trời âm u và không mưa. Một số hộ gần nhà trú bão đã được cho về nhà. Tuy nhiên người già và trẻ nhỏ vẫn phải ở lại cho đến khi bão tan hẳn.
Còn tại khu vực tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, ít giờ qua một số nơi có mưa to đến rất to như: Khánh Phú 81,8mm; Khánh Nam 67,6mm; Phượng Hoàng 44,8mm (Khánh Hòa); Ma Nới 87,0mm (Ninh Thuận).
Nhận định trong 3 giờ tới, khu vực này khả năng tiếp tục có mưa vừa đến mưa to với lượng từ 20-50mm.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cảnh báo Trong 3-6 giờ tới, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng trũng thấp ở tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận.
Đặc biệt là huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Hải (Ninh Thuận), Cam Ranh, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa).
Theo Hoàng Lê (Trí Thức Trẻ)