Mưa lũ lớn từ bão số 9, đường sắt Bắc - Nam tê liệt
Theo cơ quan khí tượng, hồi 10h sáng 25/11, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng bờ biển các tỉnh từ nam Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/h), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 90km.
Trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 5-10 km, như vậy trưa nay bão đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 7, giật cấp 9; sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi thành một vùng áp thấp.
Ảnh hưởng của bão số 9, ở Phan Thiết, Vũng Tàu có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8. Hoàn lưu bão đã gây mưa rất to cho khu vực Trung Bộ (200-300 mm).
Xuất hiện lũ trên báo động III
Khoảng 21h đêm 24/11, do ảnh hưởng của bão, mưa lớn gây lũ làm sạt lở khoảng 300 m đường sắt, đoạn qua địa bàn xã Công Hải, khiến đường sắt Bắc - Nam tê liệt.
Ông Lê Văn Hiệu, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đường sắt Thuận Hải, cho hay nước lũ đã cuốn trôi phần móng đường sắt ở một số đoạn nên việc khắc phục khó khăn. Ngay sau khi xảy ra sự việc, công ty đã huy động 95 công nhân đến hiện trường khắc phục sự cố.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Ninh Thuận, đến 10h sáng 25/11, bão số 9 không gây thiệt hại về người. Ảnh hưởng của bão gây mưa lớn, làm một số khu vực như thôn Đá Liệt (xã Phước Chiến), thôn Bình Tiên (xã Công Hải), huyện Thuận Bắc bị chia cắt. Khoảng 40 đê biển bị sạt lở, 150 ha lúa bị ngập.
Tổng dung tích 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh là 143 m3, đạt 74% dung tích thiết kế, có 14 hồ đã xả lũ. Dự báo trong ngày 25/11, trên địa bàn tỉnh có mưa lớn, lượng mưa phổ biến từ 100-200 mm. Dự báo xuất hiện 1 đợt lũ ở mức báo động III và trên báo động III. Các huyện miền núi như Ninh Sơn, Bắc Ái, Thuận Nam, Thuận Bắc đề phòng lũ, lũ quét, sạt lở đất.
3 km bờ biển bị sạt lở, nhiều ngôi nhà bị sập
Sáng 25/11, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng, Phó ban chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương đi kiểm tra việc phòng chống cơn bão số 9 tại Bình Thuận.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, trên địa bàn tỉnh có mưa lớn, vùng ven biển gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8 và gây ra những thiệt hại đầu tiên.
Tại TP Phan Thiết, sóng lớn đã đánh sạt lở 2,5 km bờ biển tại phường Hàm Tiến, 31 thuyền máy bị chìm và hư hỏng, trong đó 12 chiếc đứt dây neo, 3 chiếc mất tích, 9 chiếc hư hỏng hoàn toàn. Tại phường Thanh Hải có 8 ngôi nhà bị sập, hư hỏng do sạt lở bờ biển.
Trong khi đó, tại đảo Phú Quý có một tàu công suất 707 Cv bị hư hỏng và 1 chiếc xuồng 20 Cv bị chìm. Còn ở huyện Tuy Phong 1 lồng bè có 8.000 con cá bị đứt neo trôi ra biển, ước tính thiệt hại khoảng 6 tỷ đồng. Kè bảo vệ bờ biển Phước Thể bị sóng đánh sụp mặt kè làm sụp 25 m2.
Ảnh hưởng bão số 9, mưa lớn cùng với các hồ chứa xả lũ khiến TP Cam Ranh, huyện Khánh Sơn ngập sâu và đường sắt đoạn qua Suối Cát (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) tê liệt.
Theo Huỳnh Hải (Tri Thức Trực Tuyến)