Chiều 25/10, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp trực tiếp và trực tuyến với các bộ ngành cùng 19 tỉnh, thành phố để ứng phó với cơn bão số 6 (Trà Mi).
Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hồi 14h cùng ngày, bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 600km về phía Đông, sức gió cấp 10, giật cấp 13, di chuyển khá chậm.
"Bão từ khi hình thành và vào Biển Đông đã thay đổi hướng liên tục, đến 4 lần. Hoàn lưu rất rộng, chưa hình thành mắt bão nhưng vùng ảnh hưởng gây mưa rộng từ 500 - 600km. Từ ngày 24/10 đến lúc này, mây tập trung ở phần phía Tây của cơn bão khiến mưa, gió mạnh đã bắt đầu tác động đến nước ta", ông Khiêm cho biết.
Cũng theo Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cách đây 4 ngày, các cơ quan khí tượng thủy văn có nhiều dự báo khác nhau nhưng đến nay đã ổn định và khá thống nhất, dự báo cơn bão ảnh hưởng đến vùng biển miền Trung của nước ta.
Về tác động của bão, tại khu vực Bắc Biển Đông sẽ có gió lớn cấp 12, giật cấp 15 và sóng biển cao từ 5 - 7m; gần tâm bão sẽ có sóng cao 7- 9m. Đến sáng ngày 27/10, ở khu vực ngoài khơi từ Quảng Bình - Quảng Ngãi, bao gồm đảo Lý Sơn sẽ có gió lớn cấp 8 - 9, giật cấp 10 - 11.
"Với hướng di chuyển như hiện nay và kịch bản dự báo bão sẽ chạm bờ rồi quay ra thì tại khu vực ven biển từ Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi sẽ có gió từ cấp 6 - 8. Còn với kịch bản đi sâu hơn vào đất liền, có thể gió sẽ mạnh hơn ở cấp 9, giật cấp 11 -12", ông Khiêm thông tin.
Về tác động mưa, bão số 6 có hoàn lưu rất rộng, ở phía Tây của tâm bão có thể gây ra mưa rất lớn. Dự báo khu vực từ Quảng Trị - Quảng Ngãi sẽ có mưa từ 300 - 500mm, cục bộ ở tâm mưa có thể trên 700mm. Với khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bắc Tây Nguyên... sẽ xảy ra mưa từ 100 - 200mm.
"Do hoàn lưu bão khá rộng, tập trung chủ yếu ở phía Tây nên khuyến cáo người dân không quá chú tâm vào tâm bão vì ngay khi bão chưa vào đã ảnh hưởng đến đất liền", ông Khiêm khuyến cáo.
Quân đội bố trí lực lượng, máy bay trực thăng sẵn sàng cứu hộ cứu nạn
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đơn vị đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 67.212 phương tiện/307.822 người biết diễn biến, hướng đi của bão. Trong đó, có 35 tàu/184 người (Quảng Ngãi) hoạt động khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa; hiện không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm, các phương tiện nằm trong vùng ảnh hưởng đang di chuyển vòng tránh.
Cũng tại cuộc họp, đại diện của Bộ Giao thông vận tải cho biết, trong khu vực quản lý của các Cảng vụ hàng hải từ Quảng Ninh đến Bình Thuận có 940 tàu, trong đó có 469 tàu biển và 471 phương tiện thủy nội địa.
Quân đội cũng đã huy động 285.480 người, trong đó có 86.019 bộ đội, dân quân tự vệ 199.461, 12.503 phương tiện quân sự các loại, sẵn sàng ứng phó với cơn bão này.
Cụ thể, Quân khu 3 huy động 51.075 người, 582 ô tô, tàu xuồng, xe đặc chủng. Quân khu 4 huy động 135.781 người, 1.195 ô tô, tàu xuồng, xe đặc chủng. Quân khu 5 huy động 55.163 người, 1.660 ô tô, tàu xuồng và 3 máy bay. Quân chủng Phòng không - Không quân huy động 4.600 người, 206 phương tiện và 8 máy bay. Binh đoàn 18 huy động 30 người, 2 máy bay trực thăng, 4 ô tô.
Theo Đình Hiếu (VietNamNet)