Bão Trà Mi diễn biến rất khó lường, đổi hướng 4 lần trước khi vào Biển Đông: Bộ Công an gửi công điện chủ động ứng phó bão

25/10/2024 07:56:29

Bão Trà Mi vượt qua đảo Lu Dông (Philippines) khi đi vào Biển Đông sẽ trở thành cơn bão số 6 trong năm 2024. Các chuyên gia nhận định, diễn biến của cơn bão rất phức tạp và khó lường.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hồi 4h ngày 25/10, vị trí tâm bão Trà Mi (bão số 6) ở vào khoảng 17,0 độ vĩ Bắc; 119,0 độ kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 10km/h.

Dự báo khoảng 4h ngày 26/10, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, hoạt động trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông; cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 490km về phía Đông; sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 13.

Đến khoảng 4h ngày 27/10, bão di chuyển theo hướng Tây trên khu vực phía Bắc quần đảo Hoàng Sa, lúc này bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 14.

Một ngày sau đó, bão chuyển hướng Tây Tây Nam, hoạt động trên vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 230km về phía Tây và giảm xuống cấp 10, giật cấp 12.

Bão Trà Mi diễn biến rất khó lường, đổi hướng 4 lần trước khi vào Biển Đông: Bộ Công an gửi công điện chủ động ứng phó bão
Bão Trà Mi có thể quay ngược ra biển khi đến gần bờ nước ta (Ảnh: MCHMF)

Dự báo, từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chậm lại có khả năng đổi hướng Đông Nam mỗi giờ đi được 5-10km, sau có khả năng đổi hướng Đông, cường độ có suy yếu dần.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12; sóng biển cao 5-7m, vùng gần tâm bão sóng cao 7-9m; biển động rất mạnh.

Chủ động ứng phó diễn biến bão TRAMI và mưa lũ

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, Văn phòng Bộ Công an đề nghị công an các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ.

Cụ thể, chủ động thông tin về diễn biến của bão để triển khai các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, ứng phó phù hợp với diễn biến của bão, mưa lũ tại địa phương. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng, kịp thời về hoạt động công tác cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và lan tỏa hình ảnh đẹp của lực lượng Công an nhân dân.

Đối với lực lượng công an tại các khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận: Chủ động công tác phòng, chống bão, mưa lũ, kịp thời xử lý các tình huống ngay tại cơ sở, nhất là bảo đảm an toàn các hoạt động của người, phương tiện, tài sản trên biển, ven biển tại các địa phương dự báo sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, mưa lũ.

Lực lượng công an cấp xã chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng tổ chức thông báo, hướng dẫn, kêu gọi, vận động các chủ phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động ứng phó, không di chuyển vào khu vực nguy hiểm và về nơi tránh trú an toàn; phối hợp kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, tránh trú đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, xã hội.

Tăng cường các biện pháp bảo đảm công tác an ninh, trật tự ở tất cả các địa bàn, không để chủ quan, mất cảnh giác, không để bị động, bất ngờ.

Bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng tại cơ sở: Rà soát, nắm chắc địa bàn, nắm rõ số hộ, số nhân khẩu để kịp thời sơ tán, di dời hoặc ứng cứu người dân cùng phương tiện, tài sản tại các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất…

Sẵn sàng mọi phương án phòng, chống thiên tai, trang thiết bị, phương tiện đặc chủng chuyên dùng kịp thời phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai. Bảo đảm tuyệt đối an toàn về các lực lượng, trụ sở, cơ sở giam giữ, tài liệu, trang thiết bị làm việc của lực lượng Công an nhân dân.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, kịp thời thông tin, báo cáo về tình hình, diễn biến, thiệt hại do thiên tai và công tác triển khai ứng phó của lực lượng Công an nhân dân về Văn phòng Bộ theo quy định.

NT (SHTT)

Nổi bật