Hai cơn bão Linda (1997) và Durian (2006) được xem là hai cơn bão lịch sử có sức tàn phá nặng nề nhất về người và tài sản khi đổ bộ vào các tỉnh miền Nam nước ta trong 50 năm qua. |
Sau khi vào biển Đông, áp thấp nhiệt đới hình thành ngoài khơi Philippines mạnh lên thành bão số 12, có tên quốc tế Damrey và tăng 6 cấp. Với việc càng vào đất liền, bão mạnh dần lên khiến nhiều chuyên gia dự báo khí tượng đánh giá mức độ ảnh hưởng rất rộng của cơn bão Damrey này.
Trao đổi với Zing.vn, chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan đánh giá đây là một cơn bão mạnh, độ ảnh hưởng rộng khi đổ bộ vào đất liền. Hiện các trung tâm dự báo khí tượng uy tín đều có chung nhận định bão Damrey sẽ đổ bộ vào vùng đất liền giữa hai tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận.
"Tôi cũng nhận định khả năng cao hướng đi của bão sẽ đúng như dự báo của các mô hình dự báo các nước. Tuy nhiên, để biết chính xác thì cần theo dõi thêm vài giờ nữa. Đến 19h tối nay, 3/11, có thể cơ quan khí tượng sẽ có kết luận chính xác về hướng đi của Damrey", bà Lan nói.
Khi đề cập việc so sánh giữa Damrey và Durian (cơn bão số 9 năm 2006), bà Lan cho biết cả hai cơn bão đều hình thành hình thế giống nhau từ biển phía đông nam của Philippines và khi vào Biển Đông mạnh lên nhờ nạp thêm năng lượng của phía nam Biển Đông.
Sự khác nhau giữa 2 cơn bão này nằm ở giai đoạn hình thành. Bão Durian hình thành cuối tháng 11, đầu tháng 12 nên không khí lạnh từ phía bắc tràn về khá mạnh, đẩy hướng đi của bão chếch về hướng tây nam. Còn bão Damrey hình thành đầu tháng 11, thời điểm không khí lạnh đầu mùa chưa đủ mạnh để đẩy Damrey đổi hướng xuống phía nam.
Bà Lan lưu ý rằng cơn bão Durian chỉ đổi hướng xuống phía Nam trước khi nó đổ bộ vào đất liền khoảng nửa ngày nên gây hậu quả khá lớn do người dân không chủ động đề phòng.
"Cơn bão Damrey dù ít khả năng đổi hướng nhưng với diễn biến phức tạp, người dân cần theo dõi, cập nhật liên tục hướng đi của bão để chủ động đối phó. Nếu 19h tối nay, Damrey di chuyển ổn định hướng tây chếch tây nam thì khả năng sẽ không đổi hướng", bà Lan nói.
Cơn bão Damrey tăng cấp, mạnh lên khi vào Biển Đông, bà Lan cho rằng do nhiệt độ ở biển phía nam khá ấm, thêm không khí lạnh phía bắc tràn về giúp cho bão nạp thêm năng lượng.
Từ chiều nay 3/11, vùng biển từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận (bao gồm đảo Lý Sơn, Phú Quý) gió mạnh dần lên cấp 6-7, đến đêm gió mạnh cấp 8-9, gần sáng mai tăng lên cấp 9-10, vùng gần bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 15; biển động dữ dội.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh tăng cường mạnh ở Vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Biển động mạnh.
Sáng sớm ngày 4/11, trên đất liền ven biển các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận có gió mạnh dần lên cấp 9-11, giật cấp 14, các khu vực sâu hơn trong đất liền có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 11. Khu vực ven biển các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Mặc dù có biển cấm, nhiều người dân và du khách vẫn bất chấp lao ra biển đối mặt với những con sóng cao đến 2 m. |
Theo Phước Tuần (Tri Thức Trực Tuyến)