Bão Damrey (bão số 12) tiếp tục di chuyển theo hướng Tây và tăng một cấp. Lúc 10h ngày 3/11, tâm bão cách bờ biển Khánh Hòa - Ninh Thuận khoảng 400 km về phía Đông, gió mạnh nhất 135 km/h (cấp 12), giật cấp 15.
Giữ nguyên hướng di chuyển với tốc độ khoảng 20 km/h đến sáng sớm 4/11, bão đi vào đất liền các tỉnh từ Nam Phú Yên đến Bắc Bình Thuận với gió mạnh nhất cấp 11, giật cấp 14, sau đó suy yếu dần.
10h cùng ngày, tâm bão ở trên đất liền ven biển các tỉnh Nam Phú Yên - Bắc Bình Thuận - sức gió gần tâm bão giảm còn 90 km/h (cấp 8-9), giật cấp 12. Sau đó, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Đến trưa 5/11, tâm áp tháp nhiệt đới ở khu vực miền Nam Campuchia, gió giảm xuống dưới 40 km/h.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông khu vực giữa Biển Đông (gồm cả vùng biển phía Bắc Tây Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 11-12, giật cấp 15; biển động dữ dội.
Vùng biển từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận (gồm đảo Lý Sơn, Phú Quý) đêm nay có gió mạnh cấp 8-9; sau đó tăng lên cấp 9-10, vùng gần tâm bão cấp 11-12, giật cấp 15; biển động dữ dội.
Hoàn lưu bão kết hợp không khí lạnh tăng cường mạnh ở Vịnh Bắc Bộ nên vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Biển động mạnh.
Nước dâng do bão ở ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận từ 0,5 đến một mét, sóng ngoài khơi vùng tâm bão cao 5-7 m, vùng ven bờ 2-4 m.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh và bão, trong hôm nay các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận có mưa rất to, lan rộng ra Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ.
Từ sáng sớm ngày 4/11, các tỉnh ven biển gồm Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận có gió mạnh dần lên cấp 9-11, giật cấp 14; Ven biển các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; Đông Nam Bộ gió giật cấp 6-8.
Từ ngày 4 đến 8/11, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và sông Đồng Nai được dự báo sẽ xảy ra một đợt lũ. Nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa, Bắc Tây Nguyên và lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ven sông và ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp.
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai sáng nay, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường (Trưởng ban chỉ đạo) nhận định bão số 12 là cơn bão mạnh, có các yếu tố nguy hiểm khi kết hợp với không khí lạnh gây mưa đặc biệt lớn, vì vậy không cho phép chủ quan trong phòng chống.
"Đây là cơn bão lớn, gió giật mạnh và phạm vi ảnh hưởng trọng điểm sẽ là khu vực Nam Trung Bộ, kèm gió mưa lớn, cộng không khí lạnh, đây là yếu tố hết sức nguy hiểm", ông Cường nói và cho rằng khu vực bão đổ bộ cũng là những nơi vừa trải qua những đợt mưa lớn, hệ thống hồ chứa đã rất đầy nước, trong khi dự báo bão đổ bộ mưa sẽ rất lớn, đó là yếu tố rất khó lường.
"Hoàn lưu bão có thể lan ra cả khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Nếu như lượng mưa lớn nữa thì mức độ tổn thương càng khó lường, nếu không chuẩn bị kỹ hậu quả rất nặng nề", ông Cường nhấn mạnh.
Theo kế hoạch ứng phó với bão của Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, trên 75.000 hộ với 386.000 nhân khẩu sẽ được di dời. Trong đó, Bình Định dự kiến sơ tán hơn 93.000, Khánh Hòa 92.000, Phú Yên trên 85.000 người.
Các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận đã cấm biển từ ngày 2/11. Tỉnh Khánh Hòa đã cho học sinh nghỉ từ 12h ngày 3/11.
Theo Hữu Nguyên (VnExpress.net)