Cụ thể, những hành vi bạo lực trẻ em như sau sẽ bị phạt tiền 10-15 triệu đồng: Xâm phạm thân thể, gây tổn hại sức khỏe; bắt nhịn ăn, nhịn uống, hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác; gây tổn thương tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, chửi mắng, đe dọa, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ; dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ gây tổn hại về thể chất, tinh thần; thường xuyên đe dọa trẻ bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật.
Dự thảo Nghị định quy định với hành vi ép buộc trẻ đi ăn xin, cho thuê, cho mượn trẻ hoặc sử dụng trẻ em đi ăn xin; bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em, người vi phạm cũng bị xử phạt 10-15 triệu đồng. Với hành vi vi phạm trên, người vi phạm còn bị tịch thu số sản phẩm, hàng hoá, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp thu được.
Mức phạt tiền 20-25 triệu đồng được áp dụng với hành vi bóc lột sức lao động trẻ em, bắt trẻ em lao động trước tuổi, quá thời gian, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật hoặc làm việc ở nơi mất an ninh trật tự, có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển của trẻ.
Ngoài ra, Dự thảo còn quy định mức phạt tiền từ 3-5 triệu đồng với cha, mẹ, người chăm sóc bắt trẻ làm công việc gia đình quá sức, quá thời gian, ảnh hưởng đến học tập, vui chơi, giải trí, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ; dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ bỏ học, nghỉ học....
Nếu được thông qua, Nghị định này sẽ có hiệu lực trong năm 2018 và thay thế cho Nghị định 144/2013.
Theo K.Linh (Thương Hiệu & Công Luận)