Xót xa, nhức nhối
Ngày 16/4, một nữ sinh trường THPT chuyên Đại học Vinh đã chọn cách kết thúc cuộc sống của mình sau một thời gian dài nghi bị bạo lực học đường.
Trước khi dẫn tới cái kết đau lòng này, cô bé đã tâm sự với mẹ, bày tỏ sợ hãi không muốn đi học, muốn xin chuyển lớp.
Người mẹ đã đến trường xin cho con chuyển lớp để tránh những hậu quả đáng tiếc. Chỉ tiếc, động thái của nhà trường đã chậm.
Nỗi xót xa vì sự ra đi của một cô gái trẻ ở tuổi đời rực rỡ nhất chỉ vì bạo lực học đường ở một trường chuyên càng khiến dư luận hồ nghi về môi trường học đường ngày nay.
Vào tháng 12/2020, nữ sinh lớp 10 ở An Giang được cho là uống thuốc tự tử vì uất ức trong xử lý vi phạm của nhà trường.
Mẹ của nữ sinh này chia sẻ, con gái mình bị uất ức do bị nhà trường xử lý vi phạm quy chế, mà nguyên nhân là do Y. không tham gia học phụ đạo do trường tổ chức có thu phí. Phía nhà trường thừa nhận có sai sót.
Vài năm trước, một nam học sinh THCS ở Yên Bái tự tử khi bị một nhóm thanh niên chặn trước cổng trường, dùng tuýp cao su đánh, ép em phải quỳ lạy xin tha thứ trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác.
Trước đó, hàng loạt vụ tự tử xảy ra như trường hợp nam sinh lớp 10 ở TPHCM để lại thư tuyệt mệnh rồi nhảy lầu tự tử ngay trong trường học; Nữ sinh lớp 11 ở Bình Phước tự tử để lại 5 bức thư tuyệt mệnh; …đều là những vụ việc đau xót xảy ra.
Điểm chung của nhiều câu chuyện bạo lực, những cái chết oan uổng vì áp lực là thời điểm nạn nhân bị hành hung, luôn có ai đó quay clip lại và tung lên mạng.
Có rất nhiều người bị sốc bởi mạng xã hội. Ngày càng nhiều vụ việc đánh nhau rồi tung clip lên mạng làm nạn nhân bị ám ảnh, hoảng loạn.
“Có một dạng bạo lực kín hơn, khó nhận diện hơn đó là không hành động khi cần thiết, không đáp ứng các nhu cầu cơ bản, thể hiện thiếu trách nhiệm và bỏ mặc mà có thể gọi tên là bạo lực lạnh”- PGS.TS Trần Thành Nam.
Tình trạng tự tử ở độ tuổi học sinh: Đang bị lây lan?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 20% trẻ em và vị thành niên có rối loạn tâm thần, 50% khởi phát ở độ tuổi 14. Trầm cảm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tàn tật ở trẻ vị thành niên. Tự tử là nguyên nhân thứ ba gây ra tử vong ở lứa tuổi 15-19.
“Có một dạng bạo lực kín hơn, khó nhận diện hơn đó là không hành động khi cần thiết, không đáp ứng các nhu cầu cơ bản, thể hiện thiếu trách nhiệm và bỏ mặc mà có thể gọi tên là bạo lực lạnh”- PGS.TS Trần Thành Nam.
Ước tính mỗi năm có hàng chục ngàn người tự tử do trầm cảm, gấp 2,5 lần so với số người chết vì tai nạn giao thông. Ở Việt Nam, trầm cảm đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là giới trẻ.
Theo nghiên cứu gần đây nhất, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần dao động từ 8-29% ở trẻ em và vị thành niên.
Ngoài ra, theo số liệu của 1 số nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%.
Các vụ tự tử ở Việt Nam được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận, tỉ lệ nữ sinh có xu hướng tự tử cao gấp 3 lần so với nam sinh. Đây được xem là tỉ lệ chênh lệch khá cao so với các nước trên thế giới.
Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà cho rằng, vấn đề tự tử của học sinh thời gian gần đây tăng lên như một hiện tượng đang bị lây lan.
Theo các nhà tâm lý, hiện nay, giới trẻ đứng trước áp lực của cuộc sống, bạn bè, bản thân, học hành thì thường bế tắc. Nhiều em không có cách giải quyết và phải âm thầm chịu đựng, tự tìm cách giải quyết.
“Việc này đã có dấu hiệu của sự lây lan. Vì các con không chia sẻ được với ai và không có kĩ năng giải quyết vấn đề. Hành động của trẻ muốn chấm dứt ngay là tự tử chính là cách các con lựa chọn”, bà Hà nhấn mạnh.
Phó Giáo sư Trần Thành Nam chia sẻ, trước nay chúng ta quen với những dạng bạo lực hành động: bạo lực thể hiện qua hành vi, lời nói… thường được xem là bạo lực nóng.
Theo Phó Giáo sư Thành Nam, những nạn nhân của bạo lực học đường sẽ trải qua rất nhiều tổn thương cả về mặt thể chất những tinh thần.
Sau khi bị bạo lực, bị bắt nạt, nạn nhân sẽ rơi vào trạng thái lo lắng, bất an và cầu cứu sự trợ giúp.
Trong khi, theo ông Nam, kẻ bắt nạt luôn tìm cách để làm nạn nhân thêm sợ hãi, nạn nhân lại không được mọi người chung quanh hỗ trợ tâm lý, giúp đỡ một cách triệt để dẫn tới trạng thái tuyệt vọng và chọn cách tự sát.
Theo số liệu được Bộ GD&ĐT đưa ra, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Tính trung bình có 5 vụ bạo lực/ngày. Cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì bạo lực học đường...
Theo Đỗ Hợp (Tiền Phong)