Theo quy định của Bộ Y tế, cơ cấu giá một lần chạy thận nhân tạo của bệnh nhân thận được xây dựng gồm 11 khoản bao gồm chi phí dây lọc máu, dịch lọc, màng lọc, dịch sát khuẩn màng lọc... Trong đó bảo hiểm y tế thanh toán 7 khoản nhưng không vượt quá 543.000 đồng (đối với bệnh viện hạng một). Mức chi trả bảo hiểm còn tùy thuộc vào vấn đề người bệnh được thanh toán theo diện đồng chi trả 80%, 95% hay 100%; chạy thận ở bệnh viện hạng nào.
Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân phải chạy thận nhận tạo có hai dạng là chạy thận cấp cứu (khi có bệnh lý cấp tính) và chạy thận chu kỳ. Thông thường bệnh nhân được chỉ định chạy thận 3 lần mỗi tuần; trường hợp bệnh nhẹ thì thời gian đầu 2 lần một tuần sau đó tăng lên 3 lần. Bệnh nhân chạy thận cấp cứu lần đầu phải đặt catheter riêng chi phí phần này khoảng một triệu đồng. Chi phí chạy thận chu kỳ tùy thuộc vào vật tư tiêu hao, trung bình khoảng 700.000 đến một triệu đồng một lần. Do đó trong trường hợp bảo hiểm y tế chi trả 100%, người chạy thận nhân tạo mỗi lần chạy thận còn phải đóng thêm khoảng 150.000-450.000 đồng nữa.
Đối với ghép tạng, hiện nay bảo hiểm y tế chi trả gần 100 triệu đồng cho mỗi ca bao gồm chi phí phẫu thuật, thuốc, vật tư y tế cho việc ghép tạng. Bảo hiểm y tế không thanh toán chi phí phát sinh từ người hiến như xét nghiệm người hiến, phẫu thuật lấy tạng, bồi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, điều trị cho người hiến, chi phí bảo quản tạng để ghép...
Chi phí cho một ca ghép tạng tại Việt Nam đang được xem là khá thấp so với nhiều nước trên thế giới, song đối với nhiều người Việt là khoản tiền không nhỏ. Một ca phẫu thuật ghép tim chi phí khoảng một tỷ đồng, ghép gan 1,5 tỷ, ghép thận 300-500 triệu đồng. Người bệnh sau khi ghép nội tạng phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời. Bảo hiểm chi trả cho thuốc chống đào thải sau ghép tạng khoảng 8-10 triệu đồng một tháng.
Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thừa nhận quỹ bảo hiểm chưa chi trả được nhiều chi phí cho một ca ghép. “Bảo hiểm đang chi trả tiền giường, xét nghiệm, máu, dịch truyền, thuốc... trong phạm vi danh mục được bảo hiểm y tế chi trả. Riêng tiền phẫu thuật, chi phí cho quả thận... hiện chưa có cơ sở để thanh toán”, ông Phúc nói.
Theo ông Phúc, trong danh mục kỹ thuật được thanh toán bảo hiểm chưa có phẫu thuật ghép thận (từ người này cho người kia) mà mới chỉ có ghép thận tự thân. Quỹ Bảo hiểm Y tế cũng không đủ tiền để chi trả đầy đủ chi phí cho một ca ghép tạng.
Ông Phan Văn Toàn, Vụ phó Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế cho biết thêm, về nguyên tắc, tạng chỉ được hiến (không được bán). Tuy nhiên, có nhiều chi phí như xét nghiệm người hiến, bảo quản, phẫu thuật lấy tạng, bồi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, điều trị cho người hiến... chưa tính toán được. Ông Toàn nói: "Trong tương lai, liên Bộ Y tế - Tài chính sẽ tính đủ chi phí cho tất cả các dịch vụ kỹ thuật y tế, đồng thời quy định cụ thể điều kiện, tỷ lệ thanh toán để quỹ Bảo hiểm y tế có căn cứ thanh toán".
Theo ông Toàn, mục đích của Bảo hiểm y tế là huy động sự đóng góp của nhiều người để chi trả chi phí khám chữa bệnh cho những người không may bị ốm đau, bệnh tật. Bộ Y tế luôn tính đến việc hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, không chỉ trong lĩnh vực ghép thận mà còn cả ghép tạng và các bệnh lý có chi phí lớn khác. Tuy nhiên, để có tiền thanh toán đủ chi phí một ca ghép tạng thì riêng ngành y tế không thể làm được mà cần phải có sự chung tay của xã hội, nhất là những người chưa tham gia bảo hiểm y tế.
“Quỹ có thể thanh toán chi phí hơn một tỷ đồng cho một người bệnh”, ông Toàn khẳng định.
Ông cũng cho biết, việc xây dựng giá dịch vụ y tế là do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam khảo sát, tính toán trên cơ sở định mức kỹ thuật và cơ cấu chi phí thực tế, không phải do đơn phương Bộ Y tế, Bộ Tài chính hay Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định.
Theo Nam Phương (VnExpress.net)