Định hướng 3 tầng BHXH
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội cho biết, Đề án Cải cách BHXH vừa được Trung ương thông qua có một số thay đổi rất căn bản. Theo đó, với hơn 30 năm thực hiện chính sách BHXH, Việt Nam đã có đủ thực tế, kinh nghiệm, cùng đó kinh tế đang phục hồi cũng tạo cơ sở để đưa ra định hướng cải cách BHXH thời gian tới. Cùng đó, việc thay đổi là đòi hỏi cấp thiếp để thực hiện theo các công ước quốc tế Việt Nam đã tham gia, hướng tới mục tiêu mọi người dân không rơi xuống mức sàn của BHXH.
Theo ông Lợi, Đề án cải cách BHXH theo hướng đa tầng, vì lâu nay BHXH chỉ có 1 tầng, và nhà nước có chính sách bảo trợ xã hội cho các đối tượng yếu thế (như người cao tuổi, người khuyết tật…). Do đó, định hướng thời gian tới là hướng tới đa tầng, tầng 1 là tầng an sinh, tầng 2 là tầng BHXH cơ bản đóng - hưởng, tầng 3 là BHXH bổ sung.
Cụ thể, tầng 1 là tầng an sinh, nhà nước đảm bảo mọi công dân tới tuổi tham gia thị trường lao động đều được đóng BHXH, để sau này về già có lương hưu ở mức tối thiểu (nhưng không bao gồm các đối tượng bảo trợ xã hội do nhà nước chăm lo). Như kinh nghiệm của Trung Quốc, khi tới tuổi lao động, mỗi công dân đóng BHXH 100 Nhân dân tệ sẽ được nhà nước đóng thêm 100 Nhân dân tệ. Với mức tham gia tối thiểu, khi người lao động tới tuổi hưu sẽ được hưởng 1 mức lương hưu tối thiểu gọi là an sinh, tất cả mọi người đều có mức lương hưu bằng nhau, mức này đủ để trang trải chi phí ăn ở, nước sạch, tiếp cận thông tin, y tế…
Tầng BHXH thứ 2 là tầng theo nguyên tắc đóng - hưởng. Theo đó, người lao động, người sử dụng lao động cùng đóng BHXH, mỗi người lao động có một tài khoản cá nhân. Với tài khoản BHXH cá nhân, mỗi người đều tự kiểm tra quá trình đóng của mình, các khoản đầu tư sinh lời được chia lại. Sau này khi về hưu, người lao động có thể lấy trước 1 lần cho một phần tiền mình đã đóng góp, số còn lại được chia bình quân để hưởng theo tháng (theo mức sàn).
Tuy vậy, với thay đổi ở tầng 2 thì tỷ lệ đóng góp vào BHXH cũng phải thay đổi. Vì theo quy định hiện hành, người lao động đóng 8% vào quỹ BHXH, người chủ sử dụng lao động đóng 14%, cho các quỹ hưu trí, tử tuất, thai sản, thất nghiệp… Nhưng với cải cách mới, có thể tỷ lệ đóng của người lao động và chủ sử dụng có thể chia 50-50.
Với tầng 3 là tầng bổ sung, những người lao động có thu nhập cao, hoặc chủ sử dụng lao động muốn thêm ưu đãi cho người lao động có thể đóng thêm (sau khi đã tham gia các mức đóng cơ bản). Để sau này người lao động về hưu sẽ được hưởng mức lương cao hơn. Với khoản tiền đóng góp ở tầng này có thể đem đầu tư vào các lĩnh vực sinh lời cao để tạo thêm giá trị thặng dư cho khoản đóng góp của người lao động. Tầng này tuỳ vào thu nhập, người lao động có thể lựa chọn tham gia hoặc không.
Ngoài ra, theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đề án cải cách BHXH cũng hướng tới mục tiêu chia sẻ, thay vì ai đóng cao hưởng cao, ai đóng thấp hưởng thấp như hiện nay. Theo đó, mục tiêu hướng tới của chính sách là có một mức lương trần với tầng BHXH thứ 2, sau đó phần vượt hơn sẽ được tính toán để chia sẻ một phần cho người có mức lương hưu thấp. Đồng thời, có thể tính toán lại mức lương tính hưởng lương hưu hiện nay bằng 75% tháng lương tính đóng BHXH, do mức này đang quá cao. Trong khi trung bình các nước chỉ bằng 45%, một số nước để ở mức 60%.
Linh hoạt thời gian tính hưởng lương hưu
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cũng chia sẻ thêm về cải cách BHXH theo hướng linh hoạt thời gian tính hưởng lương hưu. Theo đó, quy định hiện hành phải tối thiểu 20 năm đóng BHXH mới được hưởng lương hưu, nhưng thời gian tới có thể thay đổi để giảm còn 15 năm, thậm chí hướng tới còn 10 năm. Với chính sách này, có thể 15 năm đóng BHXH đã được hưởng lương hưu khi tới tuổi, nhưng chỉ hưởng ở mức sàn, còn đóng cao hơn, lâu hơn mới được hưởng lương cao. Ngoài ra, đại biểu Lợi còn đề xuất, nếu đã đóng BHXH được 30 năm, nhưng khi đó mới 55 tuổi - chưa tới tuổi nghỉ hưu, vẫn có thể đóng tiếp, sau này nghỉ hưu sẽ hưởng mức lương cao hơn nữa. “Nên tách tuổi nghề khỏi tuổi nghỉ hưu, để người lao động chọn tuổi lấy lương hưu. Nếu tới tuổi nghỉ hưu vẫn đi làm và vẫn đóng BHXH, sau đó nghỉ mới nhận lương hưu thì mức lương sẽ cao hơn. Chúng ta cho người lao động tự chọn”, ông Lợi nói.
Cùng đó, Đề án Cải cách BHXH cũng hướng tới cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, để người lao động kiểm soát được toàn bộ tài khoản của mình…
Về tăng tuổi nghỉ hưu, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội, Bộ LĐ-TB&XH đặt mục tiêu tăng từ năm 2021, nhưng ông Lợi đề xuất từ năm 2025 mới thay đổi. Ngoài ra, người lao động trực tiếp tại các lĩnh vực nặng nhọc, độc hại vẫn được quyền nghỉ hưu sớm 5 năm so với quy định, người có trình độ chuyên môn được nghỉ hưu muộn hơn 5 năm. Tuy nhiên, việc lựa chọn chưa nghỉ hưu phải được người lao động đồng ý, và người sử dụng lao động vẫn có nhu cầu, không phải ai cũng giống nhau.
Theo số liệu của BHXH Việt Nam, hiện cả nước có hơn 3 triệu người hưởng lương hưu. Trong đó có khoảng 200.000 người có mức lương trên 20 triệu đồng/tháng. Người hưởng lương hưu cao nhất là 101 triệu đồng/tháng ở TPHCM, xếp sau là 70 triệu đồng/tháng ở Thừa Thiên - Huế.
Theo Lê Hữu Việt (Tiền Phong)