Trong bài viết, tác giả Stefan Kühner cho biết, người dân Việt Nam cũng đang bị đại dịch virus corona tấn công. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc nhanh và kiểm soát tốt, đến nay Việt Nam vẫn chưa có người tử vong.
Việt Nam đã quyết định cho học sinh nghỉ học sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán. Từ 25/1 đến nay, quyết định này đã tiếp tục được gia hạn nhiều lần. Kỳ nghỉ hè đã bị hoãn lại, cũng như các kỳ thi trung học và cuối kỳ. Kể từ tuần thứ hai của tháng 3, các chương trình học đã được phát trên truyền hình.
Tác giả cũng nhấn mạnh việc Việt Nam đã chuẩn bị tốt trong việc xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Học viện Quân y đã phát triển bộ dụng cụ xét nghiệm cùng với công ty Việt Á phát triển thành công bộ kit xét nghiệm nhanh virus. Bộ kit này đã được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xác nhận với kết quả đáng tin cậy trong vòng chưa đầy hai giờ (theo báo Nhân Dân).
Bộ xét nghiệm của Việt Nam có độ chính xác tương ứng với các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ. Tác giả cũng cho biết, bộ xét nghiệm có giá từ 17 đến 26 đô la thấp hơn so với mức trung bình 200 euro mà người dân hoặc công ty bảo hiểm y tế ở Đức phải trả. Hơn 20 quốc gia, trong đó có Italy, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị đặt hàng bộ xét nghiệm này.
Bài báo cũng viết, sau 3 tuần liên tiếp không phát hiện thêm ca nhiễm mới, Việt Nam hồi đầu tháng 3 đã hy vọng có thể tuyên bố hết dịch. Tuy nhiên, lại có thêm những ca nhiễm mới ở người đi du lịch về. Chính phủ Việt Nam và các tỉnh thành phố đã phản ứng nhất quán một lần nữa. Kể từ ngày 15/3, Việt Nam đã có nhiều hạn chế nhập cảnh đối với một số quốc gia, bao gồm cả những quốc gia từ khu vực Schengen của EU và Vương quốc Anh. Trong đó những người từ nước ngoài trở về đều phải thực hiện quy định cách ly bắt buộc 14 ngày.
Tác giả cũng nhắc tới ca bị nhiễm bệnh COVID-19 khi từ Anh và Italy trở về khiến khu phố Trúc Bạch tại Hà Nội bị phong tỏa với hơn 1.000 người đã bị cách ly và được cung cấp bữa ăn miễn phí hàng ngày.
Tác giả bài báo nhấn mạnh việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các cơ quan ban ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành ở Việt Nam phải nhanh chóng xác định và kiểm soát chặt chẽ các nguồn lây nhiễm. Đồng thời Việt Nam cũng đã có sự kêu gọi toàn dân cùng các bộ, ngành đóng góp vào công cuộc chống dịch COVID-19.
Tính đến sáng 22/3, Đức ghi nhận 22.364 người nhiễm virus SARS-CoV-2 (tăng 2.516) và 84 ca tử vong (tăng 16).
Trong thông điệp được phát trực tiếp toàn quốc lần đầu tiên (ngày 19/3), Thủ tướng Đức Angela Merkel đã mô tả cuộc khủng hoảng do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra là thách thức lớn nhất đối với nước Đức kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Nhấn mạnh tình hình rất nghiêm trọng, Thủ tướng Merkel kêu gọi toàn thể dân chúng tuyệt đối tuân thủ các quy định và những hạn chế mà chính quyền liên bang và các bang đưa ra, nhấn mạnh, cần phải giảm thiểu tất cả những gì có thể gây nguy hiểm cho mọi người ở Đức.
Bà Merkel nêu rõ, cần phải tôn trọng việc duy trì khoảng cách lẫn nhau và việc đóng lại cuộc sống công cộng thường nhật là "vấn đề sống còn".
Thủ tướng Đức cũng nhấn mạnh, những quy định áp đặt cho mọi hành động hiện nay là nhằm làm chậm sự lây lan của virus, có thể kéo dài nhiều tháng và giúp giành lợi thế về mặt thời gian nhằm ứng phó với dịch bệnh. Theo bà, tất cả sẽ phụ thuộc vào việc mọi người tuân thủ và thực hiện các hạn chế mà không có ngoại lệ với bất cứ trường hợp nào.
Theo M.Trang (Giadinh.net.vn)