Ngày 14-10, hội thảo "Môi trường không khí và các bệnh có liên quan" do Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật TP HCM và Hội Y học TP HCM phối hợp tổ chức đã "nhận" được nhiều cảnh báo về vấn đề ô nhiễm không khí.
Báo động
PGS-TS-BS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng TP HCM cảnh báo ô nhiễm là nguyên nhân lớn nhất gây bệnh tật và chết sớm trên toàn thế giới. Trong báo cáo của mình về các vấn đề hô hấp liên quan đến ô nhiễm không khí, PGS Tuyết Lan dẫn chứng thống kê tại TP HCM vào năm 2016-2017 cho thấy có tới 27% khoảng thời gian trong ngày, chỉ số AQI của TP HCM vượt quá mốc 100.
AQI là tiêu chuẩn đo ô nhiễm không khí của Mỹ, do Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA). Theo website Air Now của EPA, không khí được gọi là "tốt", không gây ra rủi ro sức khỏe khi chỉ số AQI ở mức 0-50. Ở mức 51-100, không khí được cho là "chấp nhận được", tuy nhiên sẽ có nguy cơ với một số người, đặc biệt là nhóm nhạy cảm. Chỉ số AQI trên 100, không khí được cho là "không khỏe mạnh" từ mức độ nhẹ đến nghiêm trọng.
Tuy nhiên tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) còn nghiêm ngặt hơn. Theo WHO, chỉ số PM 2.5 trong 24 giờ trên 25 đã là không lành mạnh. Nếu chỉ số đạt khoảng 37,5, nguy cơ tử vong sẽ tăng 1,2% trong ngắn hạn. Nếu tính trung bình năm, chỉ số PM 2.5 tiêu chuẩn chỉ là 10, ở mức 35, nguy cơ tử vong sớm dài hạn lên tới 15%. Trong khi đó, AQI 100 tương ứng với PM 2.5 là 35,4.
Theo một nghiên cứu khác công bố trong hội thảo 14-10 của tiến sĩ Vũ Xuân Đán (Trung tâm Bảo vệ sức khỏe Lao động và Môi trường TP HCM) và tiến sĩ Trương Thanh Cảnh (Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM), mức PM 2.5 bên ngoài nhà dân ở TP HCM có trị số tối thiểu và tối đa là 15,4 và 75,66; trong nhà là 15,57 đến 128,95!
Các nguyên nhân ô nhiễm không khí hàng đầu ở TP HCM được nhóm tác giả này thống kê là từ các phương tiện vận tải, từ đất cát, từ đại dương, do đốt dầu, do các ngành công nghiệp luyện kim. Một số tác giả khác cho rằng sở dĩ TP HCM ô nhiễm cả trong nhà là vì một số người dân giữ thói quen hút thuốc lá và dùng chất đốt khác (ví dụ như bếp) mà không có phương tiện lọc khí phù hợp trong nhà.
Nhiều bệnh "dính" ô nhiễm
Theo PGS Lê Thị Tuyết Lan, ô nhiễm không khí là một trong các nguyên nhân gia tăng tỉ lệ bệnh hen, phổi tắc nghẽn mạn tính, nhiễm trùng hô hấp, rối loạn hô hấp trong giấc ngủ, trẻ em có chức năng hô hấp kém…
Còn theo báo cáo về tương quan giữa ô nhiễm không khí và ung thư, PGS-TS-BS Cung Thị Tuyết Anh (nguyên phó trưởng bộ môn Ung thư học khoa Y, ĐH Y dược TP HCM) cho biết nghiên cứu thực nghiệm trên động vật cho thấy có trên 500 thành phần hóa học trong khí thải có thể gây đột biến gene. Các chất ô nhiễm không khí gây tổn hại DNA qua phản ứng oxy hóa trong mô phổi chuột.
Trong nghiên cứu lâm sàng trên người, người ta cũng phát hiện tổn thương DNA trên bạch cầu những người sống trong đô thị ô nhiễm, tổn thương DNA trong lympho bào và niêm mạc mũi, các thay đổi bất thường ở cấp độ tế bào… Tổn thương DNA chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều loại bệnh ung thư.
Trong khi đó, PGS Lê Thị Tuyết Lan dẫn chứng tài liệu chính thức ủa Ủy ban Lancet về môi trường và sức khỏe năm 2017 do tạp chí khoa học danh tiếng The Lancet đứng đầu, cảnh báo ô nhiễm không khí "vượt chuẩn" sẽ làm "tăng tần suất hen và phổi tắc nghẹn mạn tính, suy giảm mạn tính chức năng hô hấp và ung thư phổi".
Bị bệnh tai mũi họng vì TP HCM quá ồn!
Trong nghiên cứu của PGS-TS-BS Đặng Xuân Hùng, Chủ tịch Hội Thính học TP HCM và các tỉnh phía Nam, tại TP HCM luôn có mức tiến ồn ban ngày vượt 6-20 dBA; ban đêm vượt 7-15 dBA so với tiêu chuẩn cho phép. "Thủ phạm lớn nhất là các phương tiện giao thông. Ô nhiễm tiếng ồn gây ra hàng loạt bệnh tai mũi họng: nghe kém, ù tai, choáng váng – chóng mặt, khiến người ta phải nói lớn gây tổn thương họng và thanh quản. Đây cũng là nguyên nhân của nhiều bệnh hệ thống như rối loạn giấc ngủ, nhóm bệnh mạch máu, huyết áp…
Theo Anh Thư (Nld.com.vn)