Tác hại của vấn nạn ô nhiễm môi trường nói chung và không khí nói riêng luôn là một vấn đề được dư luận quan tâm. Bởi lẽ, tỷ lệ người chịu ảnh hưởng tiêu cực từ chúng đang có chiều hướng tăng dần theo từng năm.
Điều này còn nguy hiểm hơn đối với trẻ em và phụ nữ đang mang thai. Và theo như một nghiên cứu mới đây, khói bụi độc hại không chỉ tổn hại đến sức khỏe của người mẹ, mà còn ở thai nhi bên trong nữa.
Cụ thể, đây là nghiên cứu được công bố tại Hiệp hội Hô hấp châu Âu (ERS) diễn ra ở Paris (Pháp) do tiến sĩ Norrice Liu và tiến sĩ Lisa Miyashita từ ĐH Queen Mary London (Anh Quốc) thực hiện. Theo đó, lần đầu tiên, khoa học tìm thấy các mảnh phân tử carbon độc hại trong nhau thai của một đứa trẻ vừa được sinh ra.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu từ 5 sản phụ trải qua phương pháp sinh thường tại London. Để thực hiện thành công nghiên cứu này các nhà khoa học đã lấy các mẫu bánh nhau của họ và tiến hành nghiên cứu. Kết quả cho thấy, trung bình mỗi bánh nhau chứa khoảng 5 micromet vuông tinh thể màu đen nghi là carbon đến từ môi trường ngoài. Tổng cộng, có khoảng 60 tế bào với 72 vùng nhiễm đen bên trong 5 bánh nhau.
Các phân tử này tuy đã được một lượng lớn đại thực bào (marcophage cells) bắt lấy và tiêu hủy trước đó, nhưng vẫn còn sót lại phần nào trong nhau thai.
Chưa dừng lại ở đó, nhóm nghiên cứu còn phân tích thêm ở một số sản phụ khác. Và họ vẫn tìm thấy các mảnh phân tử bụi carbon tương tự.
"Đó là bởi vì các hạt bụi này có phân tử rất nhỏ, dễ dàng len lỏi từ phế nang và chui vào hệ tuần hoàn", 1 chuyên gia cho hay.
Tuy chỉ “khiêm tốn” với 5 mẫu nhau thai được nghiên cứu, thế nhưng các nhà khoa học tin rằng hiểm họa của ô nhiễm không khí đã và đang ảnh hưởng rất nhiều đến thai phụ. Họ còn cho biết, tuy các hạt bụi mang nhiều độc tính này không xâm nhập vào đứa bé qua đường máu cuống rốn, nhưng việc tồn đọng ở nhau thai cũng đủ gây tác động tiêu cực.
Trước đó, vào năm 2016, sau khi nghiên cứu tác động của ô nhiễm không khí đối với phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh ở một số thành phố trong nước, các nhà khoa học thuộc Viện hàn lâm Khoa học Séc đã kết luận rằng trẻ em sinh ra ở các khu vực có không khí chứa nhiều chất thải độc hại không những hay đau ốm, mà còn phải hứng chịu những tổn thương về di truyền.
Theo phóng viên TTXVN tại Prague, các nhà khoa học đã tiến hành so sánh tình trạng không khí mùa Đông và mùa Hè tại các thành phố Karvina và Ceske Budejovice của Séc, sau đó xem xét ảnh hưởng đối với sức khỏe của trẻ sơ sinh.
Trong công trình nghiên cứu kéo dài 4 năm này, các nhà khoa học đã lấy mẫu ADN của 400 trẻ sơ sinh và những người mẹ để so sánh.
Việc phân tích dữ liệu chưa hoàn tất, song những kết luận ban đầu cho thấy trẻ em sinh ra tại các khu vực có không khí ô nhiễm gặp phải những biến đổi về ADN và hay bị ốm, nhất là hay mắc các bệnh về đường hô hấp, so với trẻ sinh ra ở những khu vực không bị ô nhiễm không khí.
Chuyên gia y học thực nghiệm Radim Sram - trưởng nhóm nghiên cứu trên, cho biết nồng độ benzopiren (chất có nguy cơ gây ung thư) trong không khí ở những thành phố trên gây tổn thương cấu trúc ADN và ảnh hưởng xấu tới quá trình trao đổi chất, hệ miễn dịch và sự phát triển trí não của những người mẹ và đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh trong khu vực được theo dõi này.
Theo Hải Ninh (Sohuutritue.net.vn)