Chiều 30/12, trả lời câu hỏi của báo VietNamNet liên quan đến vụ kit test Covid-19 Việt Á, tại họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết trong chương trình kỳ họp sẽ bổ sung một số báo cáo.
Vừa qua Ban cán sự Đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội đã họp để thống nhất các nội dung báo cáo trước kỳ họp, đã có sự thống nhất cao. Về nguyên tắc, Đảng đoàn Quốc hội đã đề nghị và Ban cán sự Đảng Chính phủ thống nhất sẽ có báo cáo về biến chủng Omicron và các giải pháp, đồng thời cũng sẽ có báo cáo liên quan đến việc mua sắm các trang thiết bị y tế phòng chống dịch, trong đó có vụ kit test Covid-19 Việt Á.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh: "Vụ việc đang trong quá trình điều tra nên chưa thể cung cấp thông tin thêm nhưng xoay quanh câu chuyện mua sắm trang thiết bị y tế sẽ có báo cáo. Tất nhiên, vẫn có báo cáo ở những vụ việc cụ thể để rồi khái quát lên tình hình như thế nào và có giải pháp ra sao. Cơ quan điều tra đã tiến hành thì phải làm cho tận cùng và phải có xét xử của tòa theo đúng quy định của pháp luật".
Không để Việt Nam rơi vào suy thoái kinh tế
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết, kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 4/1 và bế mạc vào ngày 11/1. Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Quốc hội họp trực tuyến cả kỳ qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 đoàn ĐBQH các tỉnh, thành, riêng đoàn ĐBQH TP Hà Nội sẽ họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 1 dự án luật, 3 dự thảo Nghị quyết (theo quy trình tại một kỳ họp). Trong 5 ngày làm việc, Quốc hội sẽ tập trung xem xét, thảo luận và quyết định về 4 nội dung chính.
Nội dung thứ nhất, Quốc hội thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự.
Việc sửa đổi các luật này nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng và khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn; kịp thời xử lý các vấn đề thực tiễn phát sinh liên quan đến việc thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thông qua việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...
Nội dung thứ 2 về nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ. Việc xây dựng nghị quyết của Quốc hội cho phép áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triểnTP là cần thiết.
Nghị quyết bao gồm các nội dung về: quản lý tài chính - ngân sách nhà nước; quản lý đất đai; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, cục bộ quy hoạch chung đô thị; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ; khu liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng ĐBSCL tại Cần Thơ.
Theo đó, TP được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho TP vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp.
Hàng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách TP không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách TP so với dự toán Thủ tướng giao và các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% trong một số trường hợp theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu.
Nội dung thứ 3, Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH. Việc xây dựng nghị quyết này là hết sức cần thiết nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, các chính sách hỗ trợ kịp thời, có sự đột phá và lan tỏa, triển khai nhanh, phù hợp với tình huống đặc biệt sẽ giúp sớm phục hồi nền kinh tế và tạo nền tảng cho sự phát triển trong những năm còn lại của giai đoạn 2021-2025 cũng như giai đoạn tiếp theo.
Từ đó, không để Việt Nam rơi vào suy thoái kinh tế và suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong hỗ trợ và cải cách, tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp và tín nhiệm của quốc gia với các tổ chức quốc tế.
Nội dung thứ 4, Quốc hội thảo luận về dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu đầu tư của Dự án nhằm hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có năng lực lớn, an toàn giao thông, tốc độ cao; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Theo tờ trình của Chính phủ, sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 146.990 tỷ đồng tỷ đồng, dự kiến khởi công năm 2023, cơ bản hoàn thành trong năm 2025.
Theo Thu Hằng - Trần Thường (VietNamNet)