Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 35 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế; đào tạo, kiểm tra, cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ.
Trao đổi với VietNamNet, ông Lương Duyên Thống, Trưởng Phòng quản lý phương tiện người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, Thông tư số 35 có nhiều điểm mới phù hợp với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1/1/2025.
Trong đó, có quy định về việc cấp lại giấy phép lái xe (GPLX) bị mất. Để quản lý người có GPLX bị tước quyền sử dụng, quy định hiện hành tại Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT quy định người có GPLX bị mất phải sau 2 tháng kể từ ngày hoàn thiện thủ tục tại Sở GTVT mới được cấp lại GPLX.
Tuy nhiên, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đã quy định cơ quan xử lý vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ chia sẻ ngay dữ liệu vi phạm với cơ quan quản lý GPLX.
Do đó, ông Thống cho biết, tại Thông tư số 35 không quy định phải sau thời gian 2 tháng mới được cấp lại GPLX để tạo điều kiện cấp lại ngay cho người bị mất.
Đáng chú ý, người có GPLX quá thời hạn sử dụng phải sát hạch lại. Quy định hiện hành tại Thông tư số 12 cho phép người có GPLX quá hạn chưa quá 3 tháng được đổi GPLX. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 62 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ thì không cho phép đổi, cấp lại đối với trường hợp này.
“Trong trường hợp GPLX quá hạn dưới 1 năm, phải sát hạch lại lý thuyết. Như vậy GPLX dù hết hạn 1 ngày nếu người dân không đi đổi sẽ bắt buộc phải sát hạch lại lý thuyết.
Trong trường hợp GPLX quá hạn trên 1 năm, phải sát hạch lại lý thuyết, thực hành lái xe trong mô hình và trên đường”, ông Thống lưu ý.
Một điểm mới khác theo ông Thống là không cấp lại giấy phép lái xe đối với người vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Đặc biệt, Thông tư số 35 cũng yêu cầu trung tâm sát hạch lái xe truyền, chia sẻ dữ liệu giám sát sát hạch đến Sở GTVT (cơ quan quản lý trực tiếp hoạt động trung tâm sát hạch lái xe) và Phòng CSGT Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi đặt trụ sở trung tâm sát hạch lái xe và Cục CSGT, Bộ Công an để theo dõi, giám sát kết quả và quá trình sát hạch.
Theo N.Huyền (VietNamNet)