Tác phẩm phản ánh về cuộc đời Thủy Cơ, một cô sinh viên trường múa tài sắc vẹn toàn nhưng vì hoàn cảnh gia đình phải dấn thân, chìm ngập trong các mối quan hệ phức tạp, chồng chéo giữa các thế lực: xã hội đen, cán bộ thoái hóa biến chất, mê tín dị đoan và mãnh lực đồng tiền… Cô yêu một người hùng từng cứu vớt danh dự và cả tính mạng cô, cô mơ ước hạnh phúc với người đàn ông đã có vợ con này. Nhưng rồi, trong một hoàn cảnh trớ trêu, cô kinh hoàng, thất vọng khi chứng kiến người hùng của mình đồng lõa với tội ác để cố đoạt được tham vọng cá nhân về tiền bạc, quyền lực… Thời thế thay đổi, Thủy Cơ dựa vào con đường Hồ Chí Minh vừa được khôi phục, mở rộng trên nền con đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” ngày xưa và dựa vào sự phát triển khoa học kỹ thuật để thay đổi thân phận. Rồi một chiều mưa, Thủy Cơ tình cờ gặp lại người hùng một thời bây giờ sa cơ thất thế giữa vòng vây của băng nhóm tội ác với lửa hận ngùn ngụt. Thủy Cơ đứng giữa hai con đường – hoặc “bịt tai, nhắm mắt” với chuyện đang diễn ra để được yên ổn; hoặc chấp nhận người thân đổ máu, tán gia bại sản để đền đáp ơn nghĩa cho ân nhân ngày xưa… Nhà văn Lại Văn Long cho biết, anh viết phần đầu của tác phẩm này vào năm 1998 và 11 năm sau mới viết phần kết. Mời độc giả đón xem câu chuyện hình sự ly kỳ đã được dựng thành phim này trên Báo Điện tử Công An TP.HCM bắt đầu từ kì này. |
Từ ước mơ trở thành nghệ sĩ múa...
Chiếc Toyota Camry màu gạch son rời quốc lộ rẽ vào con đường bùn đất nhão nhoẹt. Một tấm biển tôn cũ cắm ngả nghiêng trên hai cây tre ốm nhách: “Xã Đông Thân 14 km”. Đường trơn, xe xàng xê chực rơi xuống ruộng, bùn bắn nhễu nhão lên nắp cabô bóng lộn, bắn cả lên kính trước, kính hông nghe rạo rạo.
Một cảnh trong phim Thuỷ Cơ - HTV 9 |
Anh lái xe tên Khánh rên những câu đứt ruột:
- Cái xe có chuyện gì chỉ khổ thân tôi. Cô đâu có biết những cuộc họp của phòng hành chánh quản trị, cánh lái xe tôi bị xài xể!
Thủy Cơ ngồi nhấp nhổm ở ghế trước, đầu căng lo âu. Rồi cô cười, dụi cả mái tóc dài, thơm ngát vào cổ con người đang cáu kỉnh:
- Sao khó quá vậy, bộ không thương em sao?
- Cô là đồ cúng của bề trên, tài xế quèn như tôi sao dám đụng?! – Khánh bất ngờ đạp thắng, chiếc xe nghiêng đầu trước một hố bùn đặc quánh:
- Không qua được chỗ này! Cô gọi xe ôm mà về, tôi chờ ở ngã ba quốc lộ!
Đó là lời “tuyên án”, Thủy Cơ run bắn người. Bây giờ không chỉ là tóc mà cả đôi môi đỏ son của cô thơm lên má Khánh, mắt cô long lanh:
- Anh…
Khánh nuốt nước bọt, những ngón tay tì trên vô lăng run run. Trước khi sang số, nhấn ga cho xe rướn qua hố bùn, hắn chắc lưỡi:
- Lúc nãy có bao nhiêu là nhà trọ, khách sạn dọc đường…
Người trong nhà ùa ra đón Thủy Cơ, cô chia quà cho từng người. Hôm nay đông vui, anh Hai, anh Ba, anh Tư và chồng chị Sáu, chị Năm đang tranh luận sôi nổi về bóng đá. Mới 9 giờ sáng mà mặt anh nào cũng đỏ bừng. Anh Hai vui vẻ ngâm một câu vọng cổ, các anh kia vỗ tay phụ họa, anh Hai đắc chí quát:
- Rót thêm một vòng, mừng con Tí (tên ở nhà của Thủy Cơ) mới về!
Anh Sáu đưa cái can nhựa 3 lít lên lắc lắc:
- Còn giọt nào…?
- Con Tí đâu rồi, làm cử chỉ đẹp với mấy anh coi!
Thủy Cơ đang chào hỏi mấy bà dì trong xóm, biết ông anh hay lè nhè, cô rút một tờ 50.000đ. Anh Hai căng tờ giấy bạc cười khoái trá:
- Con út đâu, qua nói bà Béo xào cho tao dĩa lòng với dưa cải, đong đầy bình rượu này!
Anh Ba: - Lấy thêm gói Jet nha út!
Anh Hai trừng mắt:
- Tiền tao xin đâu phải tiền chùa, thằng nào hút tự mua!
Anh Ba cự: - Tiền nó cho chung, ông đừng làm tàng!
Anh Hai nói nhỏ vào tai út:
- Ghé thằng Bợn ghi cho tao 20.000 đồng con 033! Tao kết suốt tháng mà chưa thấy ông Địa thương. Tiền con Tí thơm mùi son phấn chắc hợp với ổng!
Anh Ba xô ghế đứng dậy:
- Cứ lắc nhắc cúng cho thằng Bợn, ngu thấy mẹ! Thà chơi một phát đứt nửa cái nhà như tui rồi nghỉ có oanh liệt hơn không!
Anh Hai xách cái ghế đẩu:
- Dạy đời hả?
- Dám không?
Thủy Cơ mời Khánh vào nhà, cô van:
- Các anh thương em với!
Chồng chị Năm lăng xăng kê ghế cho Khánh ngồi. Khánh cao, trắng, tóc xoăn, bụng hơi phệ, thường tháp tùng sếp dự chiêu đãi, quen uống rượu tây, ăn cao lương mỹ vị, nhìn đám nhậu bình dân hỗn tạp này miễn cưỡng.
Đối diện với bàn nhậu, ở gian nhà phía trái, cánh phụ nữ thuộc ba thế hệ nằm, ngồi la liệt trên chiếu mải mê xem phim tình cảm Đài Loan.
Trông ai cũng phờ phạc, Thủy Cơ hỏi đứa cháu lên 10: - Làm gì mới sáng đã ngáp?
Chị Ba - mẹ nó trả lời thay: - Coi phim sáng đêm đó cô Tí. Phim hay lắm, tối qua tui khóc mấy lần vì thương Tú Xảo (nhân vật trong phim “Ngày mai trời lại sáng”, 105 tập).
Thủy Cơ im lặng quay ra vườn. Cỏ mọc kín lối đi, mấy cây nhãn xơ xác bên luống cải bị gà bơi lở lói. Nhà anh Hai, anh Ba, anh Tư, chị Năm, chị Sáu ở quây quần đó đều giống nhau ở vẻ thiểu não, bí bầu bò trùm mái lá, cửa nẻo xộc xệch, mấy bộ quần áo te tua, cũ, ố bay phất phơ trên cây sào tre lởm chởm gai, cành. Không một dấu hiệu của cần cù, nói gì đến giá trị kinh tế để sinh nhai! Thủy Cơ thở dài quay vào nhà. Bên giếng nước, tô chén ngâm đầy trong mấy thau nước váng mỡ, đục ngầu. Mấy con chó trơ xương tranh nhau liếm xoong, chảo móp méo bê bết bùn đất. Khói bếp lạnh tanh, thạp gạo chỉ còn nắm tấm, kệ tủ đầy mạng nhện, ngả nhiêng mấy chai mắm mốc meo. Nhà trên vẫn ồn ào tiếng “zô…zô” của đám nhậu, tiếng thuyết minh phim eo éo. Thủy Cơ vòng ra cổng, cha cô cùng 6, 7 ông bà lớn tuổi xăm xăm bước vào. Một bà mập, trắng, trạc tuổi 60, son phấn dày mặt, cái miệng đỏ bả trầu réo lên:
- Chèng ơi, lúc này người ta làm lớn có khác, cả đời dì Mười mới thấy cái xe đẹp như cái xe của con đó nghe!
Thủy Cơ đỏ mặt bối rối, dì Mười tiếp tục “hát”:
- Đêm nào cũng thấy con trên truyền hình, quan to, quan nhỏ chẳng ai biết, chớ con Tí của dì thì cả tỉnh này thuộc mặt đó nghe!
Ông bố hối tắt ti vi, đầu máy, giải tán đám xem phim. Hai chiếc chiếu trải dưới nền gạch tàu được trưng dụng tiếp khách. Một ông khăn đóng áo dài, râu phủ đến ngực ngoắc Thủy Cơ.
- Cô bác đây có chuyện muốn bàn với con!
Thủy Cơ khép nép ngồi xuống, cô vừa kịp thay bộ váy - vest công sở bằng bộ đồ soa màu xanh dịu. Một ông già mặt cóp, mắt sâu, khăn đóng áo dài màu đỏ tía buông tay khỏi cây đàn kìm, chỉ ra chiếc Toyota đang đậu trước sân:
- Thấy cái xe là cô bác ở đây vừa ý lắm, bác biết con không để ba con thất vọng mà!
Gần đây cha Thủy Cơ nhập hội thờ bà Chúa Xứ, suốt ngày kèn, trống hát chầu văn cho các xác cô, xác cậu lên đồng hầu Bà. Ngày mai là “vía bà”, hội sẽ tổ chức lễ rước thánh ảnh, bát nhang từ đền thờ chính ở xã bên về thờ ở đền xã nhà vừa được thành lập. Hôm Bà về nhập xác hầu của dì Mười, phán rằng: “Thánh ảnh và bát nhang phải được rước trên xe tứ mã. Không có xe tứ mã thì phải là xe 4 bánh dành cho những người có căn tu, được trọng vọng đi”. Theo đó người trong hội mới bàn rằng: Bà sẽ không đi Taxi hay xe chạy hợp đồng mà phải dùng loại xe của cán bộ đầu ngành, loại đời mới có máy điều hoà, cassette để dọc đường còn mở các băng hát chầu văn cho ấm cúng. Chuyện đại sự đó được cả hội nhất trí giao cho cha của Thủy Cơ. Ông còn đang lưỡng lự thì bao nhiêu lời nịnh nọt, dụ dỗ phủ lên tính tự mãn của ông. Nào là: ông có con gái “nói” trên truyền hình, cả tỉnh ai cũng biết, mượn thứ gì của nhà nước mà không được! Nào là tương lai hội Bà của xã nhà sẽ lớn mạnh, lúc đó còn ai xứng đáng với chức hội trưởng hơn ông! Rồi là: mình đón rước Bà đàng hoàng, Bà phò hộ cho cả xã, công đức nhà ông như thế lớn lắm!
Thấy ông cứ đỏ mặt cười cười, dì Mười thủ quỹ của hội dúi vào tay ông 100.000đ tiền tàu xe. Đến nước này thì ông phải nhờ đến con gái thôi. Ông ra bưu điện xã gọi điện thoại lên cơ quan của Thủy Cơ:
- Con ơi!... cả đời ba mới nhờ con một việc lớn, đó là tâm nguyện của ba. Nhưng ba chỉ nói khi con hứa giúp.
- Con hứa! Khó đến mấy con cũng sẽ cố cho ba!
- Thứ hai tuần tới, 13 tháng 8 âm lịch ấy, con về thăm ba?
- Chuyện đó dễ quá mà?!
- Nhưng con phải về trên một xe hơi đời mới, thật mới mà con mượn của thủ trưởng của con đấy!
- Ba đòi hỏi oái oăm như vậy để làm gì?
- Ba nhắc lại đây là tâm nguyện … con không giúp thì để ba chết.
- Ba ơi!... ba ơi… sao lại cúp máy?
- Cái gì mà hoảng hốt vậy?
Cái giọng trầm trầm, nặng trĩu quyền lực quen thuộc phát ra sau lưng Thủy Cơ. Cô quay lại, ánh mắt giám đốc thật nghiêm nghị.
- Thưa chú…
Giám đốc thân mật vuốt má cô:
- Không có ai đâu, …chuyện gì hở cưng?
Từ nhỏ Thủy Cơ đã mơ ước làm một nghệ sĩ múa. Từ một gia đình nghèo đông con, một căn nhà lá rách mướp cô bước vào trường múa. Ngoài giờ học, cô kiếm tiền bằng những bài múa trình diễn ở các nhà hàng. Lúc đầu cô và các bạn múa bằng áo dài, nón bài thơ xứ Huế hoặc y phục Quan họ Bắc Ninh.
...trở thành gái nhảy 'khiêu dâm' ở nhà hàng
Được dăm hôm thì Sờn - gã Cai đầu dài giữa các nhà hàng và đám học sinh nghèo trường múa bảo:
- Khách của nhà hàng chỉ thích múa Chăm.
Thủy Cơ và các bạn cũng thừa hiểu chả mấy người trong đám khách ăn nhậu có con mắt thẩm mỹ với văn hoá Chăm. Cái họ cần là thêm một “món nhậu” bằng thịt da các cô lộ dưới ánh đèn. Sờn là con người thích sưu tầm những “giá trị” mới, động viên:
- Cách tân thêm một chút thôi, các em đếm tiền poa không xuể!
Xiêm y Apsara vốn đã ít vải, giờ đây càng ít ý nghĩa che đậy sau khi “cách tân”. Lúc đầu rất mắc cỡ, song bù lại các cô thay đổi được tư thế trước chủ nhà hàng. Đã qua rồi những ngày chờ đợi, cầu cạnh để có được một sô diễn mà mỗi vũ công nhận thù lao chưa đến 2 lon bia, lại còn bị Cai Sờn ăn đầu, ăn đuôi, trách móc nặng nhẹ. Bây giờ đang diễn ở nhà hàng này, đã có xe của nhà hàng khác chầu chực đón rước!
Ngày nào, cả nhóm tập kỳ công suốt mấy tháng trời mới được vở múa cổ tích “Tấm Cám”. Mồ hôi nước mắt của thầy trò đẫm nhẹp cả sàn tập, cả trường hết sức vui mừng khi tổng diễn tập thành công. Đến lúc đưa vào diễn ở các nhà hàng, khách nhậu miễn cưỡng nhìn, chủ nhăn mặt chửi Sờn: - Ông đuổi khách tôi rồi!
Sờn doạ: - Cho các cô thất nghiệp nếu không… “cách tân”, đổi mới bao bì. Bây giờ chả cần bài bản, sáng tạo, cứ nhảy múa sao đó cho ngực, mông lắc điên dại, cho khố khăn tốc cả lên là dân nhậu vỗ tay như sấm, là bia rượu chảy dầm dề, là khuôn mặt của các nhà kinh doanh hớn hở! Những cành bông quấn giấy bạc 20.000đ, 50.000đ được người say, kẻ tỉnh thi nhau mang lên sân khấu, cài cắm búa xua vào người các cô.
Tiền dán tới đâu, các cô rùng mình ở đó. Nhiều lúc Thủy Cơ chóng mặt, buồn nôn bởi những tờ giấy bạc được cố nhét vào nhũng vị trí mà tuổi đôi mươi của cô vẫn nâng niu, bởi những tràng cười khả ố và ánh đèn màu cuồng loạn! Những đồng bạc có được nhờ đồng loã lăng nhục nghệ thuật được Thủy Cơ ky cóp trang trải việc học và có được những ngày về quê thật hạnh phúc: Con búp bê cho đứa cháu gái, bộ quần áo mới cho ba mẹ, cặp vở và chiếc xe chạy pin cho cháu trai, món tiền khiêm tốn giúp đỡ các anh chị, xe đạp mới tinh cho em gái út…
Xóm nhà Thủy Cơ bây giờ nhiều nhà xây mọc lên bằng ngoại tệ. Những cô gái chân lấm tay bùn ngày nào giờ trở thành hành khách những chuyến bay quốc tế để theo chồng sang Đài Loan, sau khi để lại cho bố mẹ vài ngàn USD đổi đời. Các anh chị của Thủy Cơ sau vài mùa lúa thất bát, vài rủi ro, cờ bạc đã bán hết nhà - đúng hơn là bán mảnh đất có căn chòi xiêu vẹo mà ngày trước bố mẹ đã chia lại cho. Phần còn lại từ tiền bán đất được chưyển thành xe ôm, sạp bán rau, cá ở chợ xã. Để rồi chẳng mấy chốc giấc mơ thương nghiệp và công nghiệp hoá làng nhàng đó trôi qua miệng vào những cái bao tử thiếu đói kinh niên.
Bây giờ thì họ kéo về đất của cha mẹ, cãi vã, giành giật những chỗ ở nhỏ nhoi. Một căn từ đường vốn đã xập xệ, thêm các nhà con túm tụm thành một cái tổ đỉa đầy rẫy nợ nần và những trận cãi nhau, đánh nhau.
Bán trinh tiết lấy tiền xây nhà từ đường
Thủy Cơ khao khát có tiền để nâng cấp gia phong lụn bại. Nếu đi múa, dù là múa “cách tân” thêm 10 năm nữa, chưa chắc đã giải quyết được. Theo dẫn mối của Cai Sờn, cô mím môi bán trinh để có 15 triệu đồng biến căn từ đường dột nát thành nhà xây cấp 4 lợp tole. Người mua cô là một du khách Singapore.
Hắn chỉ đứng ngang vai Thủy Cơ nhưng nặng hơn 1 tạ. Cái đầu trụi tóc to như trái banh, cặp mắt híp, dưới nữa là cái mũi to như một trái khổ qua bị ong chích cong vẹo, nhăn nhúm. Cái bụng óc ách của hắn không khác hai chục lít rượu đựng trong cái bong bóng bò mà mấy bà ở quê hay gánh bán dạo.
Khi hắn tiến lại gần, Thủy Cơ thấy mình đã chết! Ba ngày dằng dặc trôi qua trong cái địa ngục có gã quái nhân gớm ghiếc. Theo hợp đồng còn đến 7 ngày như vậy nữa. Thủy Cơ nghĩ đến màu bã trầu giống màu trinh tiết mà cô sẽ quét lên căn nhà trả hiếu. Quái nhân đang thở phì phò trong buồng tắm. Bỗng khoá cửa kêu “cạch” rồi một đoàn người ập vào. Thủy Cơ hét lên kinh hoàng, kéo mền phủ đầu. Quái nhân Singapore được lôi từ buồng tắm ra ú ớ, run lập cập.
Ba mươi phút sau, Thủy Cơ tái nhợt và sắp ngất được hai nữ cảnh sát dìu đến ký biên bản quả tang bán dâm. Nhiều tiếng chân rầm rập trên cầu thang, càng gần hơn, sau đó là tiếng lao xao...