Sáng 7/5, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM (đơn vị số 7) tiếp xúc cử tri Q.2 để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14 sắp tới diễn ra.
Các đại biểu gồm bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM; ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM; bà Trịnh Ngọc Thúy, Phó chánh án TAND TP.HCM.
Tại cuộc tiếp xúc này, rất nhiều vấn đề mà cử tri đã đưa ra. Chủ yếu là liên quan đến vấn đề Thủ Thiêm.
Cử tri: "23 năm qua, UBND TP.HCM đã tắc trách"
Tại buổi gặp Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, hơn 700 hộ dân có nhà nằm trong 5 phường bị ảnh hưởng bởi khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM) đồng ký tên vào đơn kiến nghị gửi Thủ tướng và các cơ quan liên quan giải quyết các quyền lợi cho người dân.
Đơn này được gửi ngay trong buổi tiếp xúc cử tri của tổ số 7 Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với cử tri quận 2 ngày 7/5.
Trong đơn ghi gửi Thủ tướng, Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng, Ban dân nguyện Quốc hội, Thanh tra chính phủ, Ban Tiếp công dân Trung ương cùng Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM.
Theo người dân Thủ Thiêm, 23 năm qua, UBND TP.HCM là chủ đầu tư dự án Thủ Thiêm và Trưởng Ban quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng tắc trách và có những sai phạm nghiêm trọng đã được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.
Cụ thể, người dân đề cập đến một số vấn đề vi phạm về ranh quy hoạch, giao đất cho các chủ đầu tư làm dự án; bất cập về giá đền bù, chính sách tái định cư đã được Thanh tra Chính phủ và Thanh tra TP.HCM kết luận trước đây.
Những vi phạm này cũng được người dân phản ánh nhiều tại các buổi tiếp xúc đại biểu Quốc hội, HĐND TP và các lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.
Từ đó, người dân đồng kiến nghị các cơ quan thẩm quyền xác định rõ vị trí 5 khu phố thuộc ba phường mà người dân có đầy đủ chứng cứ pháp lý để chứng minh ngoài ranh khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm.
Xác định rõ các vị trí đất giao trái pháp luật cho các công ty làm dự án theo kết luận của Thanh tra TP.HCM năm 2008 và Thanh tra Chính phủ năm 2018.
Đồng thời, công bố chính sách giải quyết quyền lợi người dân theo chỉ đạo mới đây của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình.
Người dân cũng đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh chính sách giá đền bù theo sát Luật đất đai 2003, vận dụng theo hướng có lợi cho dân như nghị quyết của Thành ủy.
Theo cử tri Q.2, từ năm 2008, Chủ tịch nước và Thủ tướng đã có chỉ đạo phải giải quyết kiến nghị của dân về đền bù nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, để thiệt hại kéo dài, gây bức xúc trong dân vì giá đền bù quá thấp.
Người dân kiến nghị cơ quan thẩm quyền thu hồi các bản xác nhận pháp lý và các quyết định không đúng thực tế và pháp lý; áp dụng chính sách đền bù tái cư phải theo luật, không gây thiệt cho người dân, bảo đảm hài hòa ba lợi ích của các bên như nhà nước - nhà dân - nhà đầu tư. Khu tái định cư bằng và tốt hơn nơi ở cũ.
Cũng tại buổi gặp gỡ này, cử tri Nguyễn Thị Mão đề nghị Q.2 công khai kết luận thanh tra liên quan đến khu đất 87 ha tại phường An Phú. Vì theo bà Mão, có những dấu hiệu bất thường khi dự án ban đầu được phê duyệt diện thích thu hồi đất là 87 ha. Tuy nhiên, sau đó thành phố lại nâng diện tích quy hoạch lên trên 88 ha và ra hàng loạt quyết định thu hồi đất.
Bà Mão cho rằng, dự án 19 năm nay không triển khai được, đến nay giá đền bù không thay đổi, đẩy hàng chục hộ dân vào cảnh mất nhà cửa...
"Tôi không né tránh"
Tại buổi tiếp xúc, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết bà đã từng gửi vấn đề Thủ Thiêm lên cấp lãnh đạo cao nhất, và sắp tới còn tiếp tục đưa vấn đề Thủ Thiêm vào diễn đàn Quốc hội.
"Cử tri hỏi tôi làm gì trong hai nhiệm kỳ qua? Xin thưa với mọi người là tôi quyết tâm đeo bám vấn đề để giải quyết. Nếu tôi né tránh thì trong nhiệm kỳ thứ hai, tôi không tái ứng cử ở Q.2 nữa, mà đi ứng cử ở nơi khác.
Tôi muốn ứng cử tiếp ở Q.2 cùng với bà con, cùng với chính quyền giải quyết, nhưng không phải vấn đề nào cũng có thể giải quyết thấu đáo và nhanh chóng được", bà Tâm nói.
Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, bản thân bà nói riêng và tổ đại biểu Quốc hội nói chung không hề né tránh mà đấu tranh trực diện để tìm giải pháp giải quyết vấn đề này. Trong đó có giải pháp đối thoại trực tiếp với người dân để tìm ra giải pháp giải quyết kịp thời.
"Trước đây tôi ở trong Ban Thường vụ Thành ủy đã đấu tranh trực diện giải quyết vấn đề này. Không phải vô cớ mà đồng chí Bí thư Thành ủy xuống gặp người dân Thủ Thiêm, mà xuất phát từ việc báo cáo đầy đủ của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM xảy ra ở Thủ Thiêm", bà Tâm nói.
Cũng theo nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, tinh thần của Ban Thường vụ Thành ủy là phải giải quyết trước Tết Nguyên đán 2019, nhưng do vấn đề quá lớn, ảnh hưởng tới đông người, phải xin phép Trung ương nên việc giải quyết phải kéo dài so với dự kiến.
Đến nay đã tháng 5/2019, nhưng vấn đề Thủ Thiêm vẫn chưa được giải quyết xong, nhất là liên quan đến 4,3 ha ngoài ranh và đảm bảo quyền lợi cho người dân. Tôi thừa nhận việc giải quyết ở Thủ Thiêm là chậm", bà Tâm thừa nhận.
Sẽ đưa vấn đề Thủ Thiêm ra Quốc hội
Đó là khẳng định của ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM.
Theo ông Khuê, đối với việc các cử tri thắc mắc tổ đại biểu có thông tin vấn đề Thủ Thiêm đến Quốc hội hay không, ông Khuê khẳng định tổ đại biểu không né tránh trách nhiệm và những thông tin mà cử tri phản ánh, đã có văn bản báo cáo cụ thể đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Có 4 văn bản gửi Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Xây dựng và Văn phòng Chính phủ để có sự phối hợp xem xét giải quyết khiếu nại của người dân tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.
"Với trách nhiệm giám sát, chúng tôi có thể chưa mang lại sự hài lòng đối với người dân nhưng chúng tôi phải thận trọng, chặt chẽ, thậm chí có sự phản biện với các cơ quan liên quan để giải quyết sao cho tốt nhất. Tôi khẳng định sẽ đưa vấn đề Thủ Thiêm mà bà con bức xúc ra Quốc hội", ông Khuê nói.
Phó đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cũng nói thêm: "Tôi mong bà con yên tâm vì TP đang quyết liệt giải quyết và đều có trao đổi với các cơ quan trung ương. Quá trình hơn 20 năm qua có những sai sót, lần này phải giải quyết và không được phép sinh ra những sai sót khác".
Theo Xuân Phương (Soha/Trí Thức Trẻ)