Thông tin trên báo Dân Việt, ngày 27/1, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ban hành thông báo kết luận thanh tra việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế; mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao; đấu thầu thuốc chữa bệnh giai đoạn từ 2014-2018 tại Bộ Y tế và 7 bệnh viện thuộc Bộ gồm: Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Thống Nhất; Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam. Đồng thời, kiểm tra, xác minh một số gói thầu mua sắm tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.
Rất nhiều sai phạm trong các lĩnh vực công tác nêu trên, thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế, đã được TTCP chỉ ra như quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế còn nhiều bất cập, còn hiện tượng đầu tư trang thiết bị y tế dàn trải, công tác quản lý trang thiết bị y tế một số nơi còn nhiều hạn chế, công tác đấu thầu mua sắm thiếu chặt chẽ, khách quan, còn sai phạm; chưa sử dụng hết hiệu quả công suất thiết bị, lạm dụng kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị...
Có dấu hiệu lợi ích nhóm trong việc cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị y tế.
Báo PLO đưa tin, TTCP chỉ ra dưới góc độ quản lý nhà nước, Bộ Y tế đã tham mưu xây dựng văn bản trình cấp có thẩm quyền ban hành còn có nội dung trái với quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn hoặc có nội dung trong cùng văn bản còn chưa thống nhất, có nội dung không sát thực tế, quy định không triển khai được.
Bộ Y tế không ban hành đầy đủ giá của 18.239 dịch vụ thanh toán BHYT, không thực hiện việc phiên tương đương về giá dịch vụ dẫn đến gặp nhiều khó khăn khi thực hiện.
Nhiều trường hợp thanh toán chi phí khám chữa bệnh không đúng nhưng không được kiểm tra, phát hiện và xử lý. Ví dụ việc bác sĩ điều trị kê đơn chỉ định sử dụng thuốc không đúng theo Tờ đăng ký thuốc lưu hành tại Việt Nam trong hồ sơ đăng ký thuốc được phê duyệt...
Đặc biệt, TTCP đánh giá công tác quản lý giá trang thiết bị y tế và vật tư y tế tiêu hao còn yếu kém; việc thẩm định, phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm của Bộ Y tế còn hạn chế, mất nhiều thời gian; trong thời gian dài không công khai kết quả trúng thầu trên Trang thông tin điện tử theo quy định…
“Việc cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị y tế còn sai phạm, có dấu hiệu lợi ích nhóm và dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự” – TTCP nhấn mạnh.
Kết luận Thanh tra nêu rõ, Cục Quản lý dược ra quyết định cấp phép sản xuất gia công, đóng gói thứ cấp cho Công ty Pharbaco đối với 10 thuốc chữa ung thư nằm trong danh mục 105 thuốc bị rút số đăng ký của Công ty Intas Pharmaceutical Ltd, India, đã bị doanh nghiệp lợi dụng để tham dự thầu, có thể bị lợi dụng đưa thuốc vào lưu thông.
Theo TTCP, tại các bệnh viện được thanh tra, công tác mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế tiêu hao còn nhiều sai phạm trong việc xây dựng số lượng, giá, hồ sơ mời thầu không đúng quy định. Mua sắm vật tư tiêu hao, hóa chất và thuốc bằng hình thức chỉ định thầu rút gọn, mua sắm trực tiếp, mua ngoài còn nhiều sai phạm, có dấu hiệu chia nhỏ giá trị gói thầu để thực hiện chỉ định thầu rút gọn.
TTCP cũng kết luận, một số bệnh viện lựa chọn đơn vị trúng thầu có giá bỏ thầu cao hơn làm tăng chi phí...
Bệnh viện K ký hợp đồng với các doanh nghiệp đặt máy và tổ chức đấu thầu đối với hóa chất sử dụng cho máy đặt sẵn tại bệnh viện là không đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong đấu thầu.
Việc thực hiện mua sắm một số gói thầu có dấu hiệu vi phạm hình sự, cơ quan tranh tra cho biết cần chuyển hồ sơ hoặc thông tin sang cơ quan điều tra Bộ Công an, gồm các gói thầu tại Bệnh viện K, Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, Tim Hà Nội...
Lãnh đạo Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm
Theo TTCP, một trong những nguyên nhân dẫn đến các vi phạm nêu trên là do công tác chỉ đạo của Bộ Y tế trong quản lý quỹ BHYT, đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế. vật tư y tế, thuốc chữa bệnh còn chưa đồng bộ, thiêu thanh tra, kiểm tra thường xuyên và không tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kịp thời để chỉ ra các mặt được và những hạn chế, yếu kém để khắc phục,
Cùng với đó, việc phối hợp thực hiện giữa các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ Y tế trong quản lý các lĩnh vực công tác này còn chưa chặt chẽ, chưa phát huy được hiệu quả cao.
TTCP kết luận Bộ trưởng Bộ Y tế giai đoạn 2014-2018 (tức bà Nguyễn Thị Kim Tiến), lãnh đạo Bộ Y tế được giao phụ trách lĩnh vực giai đoạn 2014-2018, lãnh đạo các cục, vụ và đơn vị thuộc Bộ Y tế giai đoạn 2014-2018, là những cá nhân phải chịu trách nhiệm về các thiếu sót, hạn chế, sai phạm liên quan việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế; mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao; đấu thầu thuốc chữa.
Cùng với đó, TTCP kiến nghị Bộ Y tế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng quỹ BHYT, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh; tiến hành hậu kiểm, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra; kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc của các cơ sở y tế, các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về sử dụng quỹ BHYT…
Trước đó, tháng 11/2021, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, miễn nhiệm chức vụ Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến (nguyên bộ trưởng Bộ Y tế).
Tháng 1/2022, VKSND Tối cao ban hành cáo trạng, trong đó truy tố thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, trong vụ án liên quan đến Công ty VN Pharma.
Tháng 12/2021, Bộ Công an khởi tố ông Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị & Công trình y tế, Bộ Y tế, trong vụ án liên quan đến Công ty Việt Á.
Mới đây, TTCP cũng vừa mới công bố quyết định thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế, TP.Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương.
HL (Nguoiduatin.vn)