Bài học "phòng bệnh hơn chữa bệnh"
Trong thông cáo kỳ họp thứ 8 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 - 2021 và bà Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế; ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế (đã bị khởi tố).
Đồng thời, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng kỷ luật cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với các ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế; Nguyễn Chiến Thắng, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình y tế trọng điểm kiêm Giám đốc Ban Quản lý dự án chuyên ngành xây dựng công trình y tế.
Khiển trách Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn; Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền Nguyễn Thế Thịnh; Cục trưởng Cục Quản lý Dược Vũ Tuấn Cường; Giám đốc Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia Nguyễn Trí Dũng.
Ngoài ra, 3 lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đều đã bị khởi tố gồm các ông Nguyễn Quang Tuấn, Nguyễn Quốc Anh, Nguyễn Ngọc Hiền bị khai trừ đảng.
Bình luận về việc này, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho hay, bản thân ông theo dõi thông tin của trên từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng cảm thấy rất đau xót.
Bởi, ông Hùng nói, theo tâm thức của người Việt Nam có nhiều thầy nhưng thầy giáo và thầy thuốc rất được coi trọng.
"Nhưng giờ những người thầy thuốc lại có những khuyết điểm, sai phạm, sa ngã, thậm chí bị khởi tố như thế này thì rất đau đớn và buồn", ông Hùng nêu.
Tuy nhiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ, dù đau buồn song việc xử lý các cán bộ vi phạm là "cần thiết, phải làm".
"Nếu chúng ta không cương quyết xử lý thì những suy thoái, sai lầm có thể lan rộng ra và làm tổn hại đến danh dự, ý nghĩa, vị trí của người thầy thuốc trong xã hội, nhân dân", ông Hùng nói thêm.
Ông cũng thông tin, thời kỳ ông còn công tác, đã có một số lãnh đạo Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế bị xử lý, kỷ luật, song chưa có các trường hợp nào sai phạm nghiêm trọng như hiện nay.
Trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị xem xét kỷ luật nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và kỷ luật một số nguyên lãnh đạo Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai.
Về việc này, ông Hùng cho rằng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thực hiện đúng quan điểm nhất quán của Đảng trong thời gian qua là xử lý kiên quyết, "không có vùng cấm, không có hạ cánh an toàn".
Từ việc đề nghị kỷ luật, kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự hàng loạt cán bộ ngành y tế, ông Hùng nhấn mạnh đến bài học "phòng bệnh hơn chữa bệnh" mà chính ngành y tế đã lấy làm phương châm hành động.
"Trong đó, điều quan trọng nhất là chọn cho đúng cán bộ trong sạch. Sau khi chọn được phải luôn luôn có kiểm tra, giám sát, có các biện pháp để những người đó không bị sai lầm, không bị mua chuộc, lợi dụng, giữ được liêm khiết trong phục vụ nhân dân. Còn để đến mức bị kỷ luật, thậm chí vào tù rồi thì đã chậm và không thực hiện được phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh"", ông Hùng nói thêm.
Xử lý không tính đến việc đương chức hay đã nghỉ
Còn Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cũng cho hay, trước đây, dư luận, cử tri đã đặt ra nhiều câu hỏi về một số vấn đề tồn tại liên quan trong ngành, Bộ Y tế từ thời kỳ bà Nguyễn Thị Kim Tiến còn là Bộ trưởng.
"Việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc xử lý kỷ luật, đề nghị kỷ luật nhiều cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Y tế cho thấy rõ quan điểm đấu tranh phòng chống tiêu cực của Đảng, Nhà nước.
Đồng thời, giải quyết được những vấn đề người dân, cử tri đặt ra từ lâu đối với ngành y tế. Bên cạnh đó, việc xử lý này chính là biện pháp cảnh báo, cảnh tỉnh, tiếp tục xử lý các vấn đề khác có liên quan trong ngành y tế", ông Nhưỡng nói.
Phó Trưởng Ban Dân nguyện cũng nêu rõ, bà Nguyễn Thị Kim Tiến dù rời vị trí Bộ trưởng Bộ Y tế từ năm 2019 nhưng hiện vẫn đang đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.
"Chúng ta nên thấy rõ rằng, ở đây không có chuyện hạ cánh hay không hạ cánh an toàn, bởi đường lối, quan điểm phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta không tính toán đến việc người đó đương chức hay đã nghỉ.
Vấn đề quan trọng ở đây là làm lúc nào cho phù hợp, chín muồi, tức là khi có đủ yếu tố cấu thành các sai phạm, đầy đủ hồ sơ thì người đó phải chịu xử lý theo các mức tương ứng và như vậy tạo ra tính thuyết phục cho xã hội, nhân dân", ông Nhưỡng nêu rõ.
Theo Hoàng Đan (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)