"Nếu cha tôi không mất sớm vì bệnh tật thì cả nhà đã không phải đảo lộn đến vậy. Từ đó tôi thấy sự sống thật đáng quý", người phụ nữ độc thân trải lòng khi nhắc lại quãng đời đầy sóng gió.
Một ca ghép gan từ tạng người hiến chết não tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: N.N |
Năm 2011, bà quyết định đăng ký hiến xác với ý nguyện có thể giúp ích cho cuộc đời, cho y học sau khi chết. Năm 2014, em trai bà gặp nạn phải vào cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Lúc này thông tin về việc hiến mô tạng đã bắt đầu lan tỏa mạnh trên truyền thông. Biết em trai khó qua khỏi, bà Nga ngỏ ý xin hiến tạng em trai để có thể cứu giúp những người đang hàng ngày chống chọi với bệnh tật.
Công việc không thể về TP HCM được, bà tìm hiểu và nhờ người em gái út đến bệnh viện trình bày tâm nguyện. Cậu em trai này đã ly dị vợ, có hai con trai 16 tuổi và 8 tuổi sống cùng bố. Gia đình chuẩn bị giấy đồng ý hiến tạng của cậu trai 16 tuổi, giấy xác nhận đã ly hôn để chứng tỏ người vợ không thể can thiệp làm khó dễ. Tuy nhiên trường hợp này bệnh nhân suy hô hấp phải thở máy nhưng vẫn còn tỉnh táo, não vẫn còn chức năng nên không thể can thiệp được. Đến lúc bệnh nhân qua đời, tình trạng viêm phổi khiến nhiễm trùng lan rộng nên không thể cho tạng.
"Cái chết của em trai không thể giúp ích cho mọi người như mong muốn khi sống của em. Nếu hiến được tạng thì những người nhận đã có thể cưu mang, giữ được trái tim, các mô tạng của em ấy ở lại với cuộc đời thêm một thời gian nữa", bà Nga trăn trở.
Gạt qua đau thương mất mát, bà Nga thuyết phục người chị gái đầu đang sống ở Tiền Giang và đứa em út cùng làm đơn đăng ký hiến mô tạng, hiến xác. Người em út nhận "nhiệm vụ" năn nỉ mẹ già năm nay đã 83 tuổi đồng thuận. Vốn ăn chay trường, người mẹ lúc đầu chần chừ, phản ứng gay gắt nhưng khi con giải thích về việc có thể giúp cùng lúc rất nhiều người được sống, bà mới dần tán thành.
Trải qua bao ngọt đắng cuộc đời, bà Nga quan niệm những biến cố trong cuộc sống sẽ khiến mỗi người thay đổi rất nhiều. Xuyên suốt cuộc chuyện trò, bà vẫn không ngừng đặt ra những câu "nếu như". Nếu em trai bà được cứu sống, hai đứa con đã không phải sớm chịu cảnh mồ côi bố. Nếu như bố bà được ghép thận điều trị, cả nhà có thể đã không phải lao đao vất vả nhiều năm. Vì vậy, nếu mạng sống của mình sau khi qua đời mà có thể hồi sinh cuộc đời người khác, để họ không rơi vào cảnh khổ như bà đã chứng kiến và trải qua thì bà luôn sẵn lòng.
Tiến sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết trường hợp của gia đình bà Nga để lại nhiều ấn tượng xúc động và tiếp thêm động lực cho các y bác sĩ trong công cuộc vận động hiến tạng. Cả nước hiện có hơn 16.000 bệnh nhân đang chờ đợi được ghép mô, tạng. Một người chết vì chấn thương sọ não tối thiểu có thể cứu sống 7 người bệnh với thận, gan, tim, phổi, tụy tạng, giác mạc của mình. Gần đây, số lượng người đăng ký hiến tạng đã tăng, mang đến nhiều hy vọng cho những người đang ngày ngày khắc khoải chờ ghép.
Theo Lê Phương (VnExpress.net)