Vấn nạn chửi bậy, xúc phạm giáo viên trong một bộ phận học sinh:
Bài phóng sự nhằm mục đích phản ánh thói hư tật xấu của một bộ phận học sinh sau giờ tan học. Những vấn nạn tưởng chừng đã cũ mà dường như thế hệ học sinh nào cũng gặp phải như chửi bậy, hút thuốc - nhưng khi được trực tiếp nghe thấy, nhìn thấy, chúng tôi vẫn không khỏi giật mình. Một môi trường văn minh, trong sáng cho các bạn ở lứa tuổi học sinh - sinh viên vẫn luôn là ước mơ mà cần cả nhà trường, phụ huynh và chính các bạn - phải cùng nhau tạo dựng.
Lưu ý: Hình ảnh, clip được thực hiện trong tháng 4/2021
Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, việc chửi bậy trở thành trò vui vô hại, nhiều học sinh lấy đó làm cớ giải tỏa stress trong học tập.
Nhưng điều gì đi quá xa cũng trở thành tai hại. Chỉ cần đi dạo một vòng cổng trường sau giờ tan học, có thể thấy rõ tiếng chửi bậy của các bạn học sinh. Không chỉ để giải tỏa tinh thần nữa, học trò chửi bậy với vô vàn lý do, không làm gì cũng chửi, cứ 1-2 từ lại chêm thêm một từ chửi bậy như "đậu xanh", "v** l**", "định mệnh"... (cách nói lái theo ngôn ngữ teen của từ chửi bậy).
Đáng chú ý, nhiều học sinh cũng vô tư gọi giáo viên theo ngôn ngữ chửi bậy của mình. Nhẹ nhất là "con mụ kia"... nặng hơn là đính kèm những từ ngữ "phụ khoa" nghe rất chướng tai.
Dưới đây là ghi nhận của nhóm phóng viên khi ngồi ở cổng trường chưa đầy 30 phút:
Đoạn clip ghi lại ở một trường học tại quận Đống Đa (Hà Nội). Sau giờ tan học, nhóm học sinh tụ tập lại và liên tục dùng những từ ngữ phản cảm như "đ** m*", "v** l**"... Khi biết tin sẽ được nghỉ học ca chiều môn tiếng Anh, nhóm học sinh rủ nhau đi hút thuốc ở một quán nước cạnh trường.
Sau đó, nam sinh cấp 2 mượn xe máy của bạn để di chuyển. Mặc cho lời khuyên ngăn về việc xe máy chưa đủ an toàn, học sinh dưới 16 tuổi chưa được phép đi xe máy có dung tích trên 50cm3, cậu học trò này vẫn tiếp tục phóng xe đi. Thậm chí còn rú ga và lạng lách. Tình cảnh khiến người qua đường cũng phải ngán ngẩm: "Thằng này đi xe thì kinh lắm!".
Video ghi lại cảnh học sinh phải ở lại muộn do bị giáo viên phạt chép bài. Nhiều học sinh đã dùng từ ngữ tục tĩu khi nói về cô giáo. Ngoài ra, khi nói về quan hệ tình cảm của 1 nam sinh cùng lớp, nhóm nữ sinh liên tục dùng từ ngữ nhạy cảm khiến người xung quanh cũng phải "xấu hổ".
Bạo lực học đường tưởng chừng phải bị ngăn chặn. Nhưng dường như thái độ của nhóm học sinh vô cùng thản nhiên, thậm chí còn đùa cợt: "Nếu đánh dưới canteen thì thuê tao đánh cũng được".
Đoạn clip ghi lại ở một trường cấp 3 tại Hà Nội. Học sinh chửi bậy, rủ bạn bè cùng hút thuốc sau giờ học.
Học sinh nghĩ gì về việc chửi bậy? Có thực hiện được thử thách 1 tuần ngưng nói bậy?
Theo tâm lý của học sinh (và của số đông), chửi bậy khá vô hại và là hình thức xả stress vô cùng hiệu quả. Trước mặt người lớn có thể e ngại nhưng ở nơi công cộng, đi chơi với đám bạn hay không có sự quản lý thì lại vô tư dùng ngôn ngữ phản cảm này.
Thông thường, chửi thề xuất hiện với tuần suất lớn ở các hàng quán nước, quán net, vỉa hè công cộng. Không phải là vơ đũa cả nắm, tuy nhiên cứ có 1 đám đông ở hàng nước (đa số học sinh) thì sẽ có 2-3 bạn làm sinh động câu chuyện của mình bằng những từ ngữ tục tĩu.
Bạn H.L (học sinh lớp 12 trường THPT Trần Hưng Đạo) cho biết: "Thực ra nói tất cả học sinh cấp 3 thích chửi bậy thì không phải vì có người thế này thế kia. Nhưng mình nghĩ đây là kiểu thói quen ảnh hưởng từ xã hội và do cả nhóm chửi bậy thì cũng quen miệng theo.
Nếu phải làm không chửi bậy trong 1 tuần thì chắc mình không làm được. Vì thứ nhất đây là thói quen, thứ 2 còn ảnh hưởng ngôn ngữ của bạn bè. Có những chuyện chỉ dùng những từ chửi bậy ấy làm kí hiệu thì cả bọn mới hiểu được vấn đề".
Đồng quan điểm này, bạn Đ.H (học sinh lớp 11) cho biết: "Ảnh hưởng từ môi trường học tập và mọi người xung quanh dần hình thành thói quen. Khiến cách chửi bậy giống như 'câu chào cửa miệng'. Chúng mình nghĩ rằng thuận miệng thì nói thôi chứ cũng không có ác ý gì. Thực tế việc chửi bậy còn khiến bọn mình có phần 'ngầu' hơn trong mắt bạn cùng lớp".
Nếu phải thực hiện việc 1 tuần ngưng nói bậy, nam sinh Đ.H cũng cho biết không làm được bởi: "Kể cả khi kiểm soát được hành vi thì đôi khi vì thói quen mà sẽ tiếp tục dùng từ chửi bậy. Bạn bè mình cũng dùng chửi bậy như ngôn ngữ hàng ngày nên khó lắm.
Học sinh tự nên ý thức được lời nói của bản thân mà sử dụng từ ngữ phù hợp, không nên vì thấy hay hoặc thuận mồm. Bên cạnh đó, người lớn mà quản nghiêm thì cũng không dám nói bậy đâu. Như mình về nhà thì tình trạng này hạn chế hẳn".
Chửi bậy gây ảnh hưởng đến những người xung quanh thế nào?
Bà L. (chủ quán nước vỉa hè ở quận Đống Đa) chia sẻ: "Bà người thiên hạ nên chẳng dám góp ý. Không khéo nói còn bị đập thêm quán nước thì khổ. Chứ nghe học sinh chửi bậy nhiều chói tai lắm, không biết khi nói có bị ngượng mồm hay không. Bọn trẻ nói bậy vô tận cùng luôn, bà nghe mà chối quá".
Sự thực là rất nhiều phụ huynh hay giáo viên không hề biết thực trạng của con em mình. Bởi học trò thường có xu hướng chửi bậy cùng bạn bè, đến khi về nhà thì lại hạn chế. Thế nên khi tận mắt chứng kiến màn nói tục, chửi bậy của con em mình, không ít cha mẹ đã vô cùng sửng sốt.
Nguyên nhân chửi bậy một phần đến từ việc học sinh tiếp xúc với mạng xã hội sớm khiến cho việc chửi bậy dần biến trở thành một điều vô hại. Tuy nhiên nếu cứ để tình hình này diễn ra sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức các bạn học sinh, gây hại hình ảnh học đường và lệch lạc suy nghĩ.
Thực tế, trong các trường học hiện nay cũng không có quy chế rõ ràng việc phạt học sinh chửi bậy. Theo thông tư 32/2020/TT-BGDĐT do Bộ GD-ĐT ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học có hiệu lực từ ngày 1/11/2020 quy định rõ:
Học sinh không được làm:
- Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác.
- Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng.
Cũng theo thông tư này, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau: Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm; Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Theo Vân Trang (Pháp Luật & Bạn Đọc)