Cơ quan Công an đã khởi tố vụ án Hành hạ người khác để điều tra việc cô Nguyễn Thị Phương Thủy bắt học sinh tát bạn 231 cái.
Sự việc này vẫn đang nhận được rất nhiều những ý kiến tranh luận trái chiều từ cộng đồng mạng.
Có người cho rằng sự việc tát một em học sinh lớp 6 hàng trăm cái tát là một hành động dã man cần phải được xử lý thật nghiêm minh để làm gương. Song, có người cho rằng cũng cần phải xem xét lại sự việc ở góc độ bệnh thành tích trong việc dạy và học hiện nay.
Trước sự việc cô giáo bắt học sinh tát bạn, bạn đọc Nguyễn Quốc Thịnh đã bức xúc bày tỏ quan điểm của mình: "Lần trước vụ phụ huynh "ép" giáo viên quỳ bị ghép là hành vi "làm nhục người khác", còn lần này, cô giáo phạt tát tai học sinh 231 cái thì gọi là gì? Vừa hành hung, vừa làm nhục? Phải chăng học sinh hay trẻ nhỏ thì không có lòng tự trọng, ai xâm phạm cũng được?
Đặt giả dụ, cô giáo phạm lỗi gì đó bị phạt tát tai trước nhiều người, cô sẽ cảm thấy bình thường vào hôm sau? Giận thì cho vài roi vào đít hoặc phạt quỳ, còn kiểu "hành hạ người khác" thế này thì sao gọi là giáo dục. Giáo viên mà "thiếu tính người" thế này thì sẽ chẳng dạy được gì cho trẻ đâu, môi trường lớp học thế này sẽ như "địa ngục" đối với chúng, dễ hình thành nỗi sợ hãi đối với việc học.
Làm bất cứ việc gì cũng phải có cái tâm, yêu ngành yêu nghề, vì ít ra nó cũng nuôi sống mình! Bởi vậy, nếu không có lòng yêu trẻ thì ít ra giáo viên cũng phải tôn trọng..."cái nồi cơm" của mình!".
Đồng tình với ý kiến trên, bạn đọc Hứa Lành nêu quan điểm: "Tuổi học trò còn nhỏ, nhiều bé còn rất vô tư. Vì vậy, giáo viên hãy xem học sinh giống như đứa con sinh ra mà dạy dỗ.
Học sinh sai thì mình nhắc nhở, hay phạt ở mức độ phù hợp, răn đe bằng lời nói để các em biết sửa sai mới đáng khen, không phải dùng hành động kinh khủng như vậy.
Bây giờ bị khởi tố lại nói là hối hận để pháp luật xử tội để răn đe. Một cô giáo vào vòng lao lý, một học trò tổn thương về thể xác lẫn tâm hồn".
Trong khi đó, trả lời với báo chí về sự việc cô Thủy đã lý giải sự việc "do nóng giận và áp lực thi đua" nên đặt ra quy định tát học sinh chửi tục.
Trước lý do đó bạn đọc Henry Long cho rằng: "Nếu đã là quy định từ lâu và công khai thì không xem như lỗi do bộc phát nữa mà phải xem lại giải pháp giáo dục, phương châm giáo dục và trách nhiệm giám sát giáo dục từ giám thị đến ban giám hiệu nhà trường lận kia, lẫn trách nhiệm Hiệu trưởng trường học đó".
Tương tự, bạn đọc Đức Phương cũng bày tỏ quan điểm: "Mình không đồng ý với cách làm của cô, nhưng thực sự chính cô cũng là "nạn nhân" trong vụ này. Phụ huynh hãy nhìn nhận lại con em mình đi.
Cả lớp có 1 học sinh khá, còn lại toàn trung bình, yếu kém, quậy phá, nói tục, chửi thề,... áp lực thi đua đã đẩy cô vào thế cùng, sinh ra hành động một cách "bất lực".
Ban Giám hiệu nhà trường cũng phải có trách nhiệm trong việc theo dõi, đánh giá năng lực thực tế của giáo viên, chứ không phải chỉ gây áp lực lên thành tích của giáo viên đó. Một môi trường giáo dục chạy đua theo thành tích thì chúng ta thấy đằng sau một cái danh hiệu là cả một vấn đề lớn quá".
Trước đó, ngày 19.11, em H.L.N lớp 6.2 trường THCS Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) nói tục trên sân trường và bị đội cờ đỏ nghe thấy, ghi lại.
Ngay sau đó, cô N.T.P.T là cô giáo chủ nhiệm lớp 6.2 đã yêu cầu các em học sinh trong lớp tát em N, mỗi em 10 cái tát vào má. Lớp 6.2 có 27 em, trong đó 3 bạn bị phạt vì quên vở học tập, phải về nhà lấy nên không thực hiện việc tát, còn lại 24 bạn thì 23 bạn đã tát N.
Theo phản ánh của học sinh, nếu bạn nào tát nhẹ sẽ bị người bị phạt tát ngược lại 10 cái nên N bị tát rất mạnh. Khi bị tát cái cuối cùng, N vừa khóc vừa đau và buột miệng nói tục.
Cuối cùng, N bị tát tổng cộng 231 cái khiến em phải nhập viện tại Bệnh viện đa khoa Dinh Mười (huyện Quảng Ninh) vào ngày 19.11, trong tình trạng 2 má thâm đen, sưng tấy, khó nhai nuốt. Đến sáng 23.11, em N đã ra viện nhưng chưa trở lại trường học vì tâm lý chưa ổn định.
Theo Bảo Linh (Dân Việt)