Ngày 28-12, tin từ UBND TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết ông Trịnh Huy Triều, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa vừa ký quyết định kỷ luật khiển trách 2 cán bộ và phê bình, rút kinh nghiệm sâu sắc 6 cán bộ liên quan tới vụ việc phá hoại di tích Quốc gia chùa Quan Thánh, phường An Hưng, TP Thanh Hóa.
Cụ thể, ngày 27-12, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa đã ký 2 quyết định kỷ luật khiển trách ông Nguyễn Đình Lợi, Phó chủ tịch UBND phường An Hưng và ông Ngô Sỹ Thế, cán bộ văn hóa UBND phường An Hưng.
Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa cũng ban hành quyết định phê bình và yêu cầu tập thể Phòng Văn Hóa và Thông tin, Quản lý đô thị, Tài nguyên và Môi trường TP, UBND phường An Hưng nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc, lập phương án khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra.
Phê bình và yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc đối với 6 cá nhân gồm: ông Nguyễn Bá Bình, Chủ tịch UBND phường An Hưng; Nguyễn Văn Thuận, Phó chủ tịch UBND phường An Hưng; Lê Đại Hành, Bí thư Đảng ủy phường Đông Thọ (nguyên Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP); Hoàng Cao Thắng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch (Nguyên Phó Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin TP); Nguyễn Văn Lưu, Nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP; và bà Phạm Thị Ngọc Thọ, chuyên viên phòng Văn hóa và Thông tin TP.
Trước đó, theo phản ánh, nhiều bài văn, thơ, hình khắc tượng người, các linh vật (voi, ngựa) tạc trên vách đá tại chùa Quan Thánh nằm trong Cụm di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch (người địa phương quen gọi là núi Nhồi, phường An Hưng, TP Thanh Hóa) được Bộ VH-TT-DL công nhận là di tích quốc gia năm 1992, đã bị tô sơn mới, lòe loẹt đủ sắc màu, làm thay đổi yếu tố gốc vốn có của di tích.
Ngay sau khi nắm bắt được thông tin, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các phòng, ban phối hợp với UBND TP Thanh Hóa nhanh chóng vào cuộc xác minh, làm rõ sự việc.
Qua kiểm tra thực tế tại di tích chùa Quan Thánh, Thanh tra Sở VH-TT-DL Thanh Hóa ghi nhận, toàn bộ 12 tấm bia ma nhai, 3 bức dạng đại tự chữ Hán và hệ thống các pho tượng khắc trên vách đá phía ngoài và trong vòm hang, gồm: 3 tượng quan phía ngoài hang, 5 tượng quan phía trong; 2 tượng linh vật (voi, ngựa)... có từ thế kỷ XVI - XVII của di tích đã bị tô vẽ, phun, phủ sơn công nghiệp.
Riêng tấm bia ma nhai niên đại Cảnh Hưng 47 (kích thước khoảng 70 cm x 8 cm đã bị khoan, chôn, đóng thanh sắt vuông vào giữa hai hàng chữ Hán, làm nứt, tách vỡ một phần mặt bia, mất một chữ Hán.
Sở VH-TT-DL Thanh Hóa đánh giá việc tự ý tô vẽ, sơn vào hệ thống hiện vật có niên đại thế kỷ XVI-XVII, khoan chôn sắt vào hiện vật bia thuộc di tích chùa Quan Thánh khi chưa được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền đã làm sai lệch, hủy hoại, thay đổi yếu tố gốc của di tích, vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa.
Đồng thời, đề nghị lãnh đạo TP Thanh Hóa tổ chức kiểm điểm trách nhiệm và xử lý, kỷ luật nghiêm đối với các cá nhân, tập thể có liên quan, đề xuất các giải pháp xử lý khắc phục các sai phạm nêu trên.
Theo Tuấn Minh (Nld.com.vn)