7 dự án bãi đỗ xe ngầm ở Hà Nội: Vì sao vẫn nằm trên giấy?

06/05/2019 07:50:58

Xây dựng điểm đỗ xe ngầm là chủ trương lớn của TP.Hà Nội, bởi lẽ, hiện nay, các điểm đỗ xe được cấp phép trên địa bàn thành phố mới chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu của người dân. Còn lại, 90% số phương tiện của người dân vẫn phải để ở vỉa hè, lòng đường, sân chung cư, cơ quan… Tuy nhiên, dù TP đưa ra nhiều giải pháp, cơ chế nhưng những dự án bãi đỗ xe ngầm vẫn... nằm trên giấy.

Điểm đỗ xe: Đáp ứng 10%

Từ năm 2003, thành phố đã quy hoạch các điểm đỗ xe trong nội đô; trong đó, xác định 34 vị trí xây dựng bãi đỗ xe ngầm và cao tầng. Đến năm 2012, UBND TP.Hà Nội có văn bản chấp thuận cho Cty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Việt Bắc xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại khu vực Cung Văn hoá Hữu nghị (phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), giao Sở KHĐT Hà Nội hướng dẫn triển khai.

Trước đó, Ban Quản lý và chỉnh trang đô thị Hà Nội cũng đã được thành phố chấp nhận cho triển khai hai bãi đỗ xe ngầm tại Vườn hoa Bác Cổ và dọc hè phố Trần Nhân Tông, dự kiến được trình và thẩm định trong quý II.2012. Nhưng cho đến thời điểm này, người dân thủ đô vẫn chưa thấy một bãi đỗ xe nào trở thành hiện thực.

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hiện nay, thành phố có gần 6,5 triệu phương tiện các loại, chưa kể các loại xe chuyên dùng và lượng xe ở ngoại tỉnh đổ về Hà Nội. Tốc độ tăng trưởng các loại phương tiện giao thông đường bộ là quá nhanh (trung bình, đối với ôtô là khoảng 10,2%/năm và xe máy khoảng 6,7%/năm).

Trong khi đó, tỉ lệ tăng trưởng diện tích đất dành cho giao thông đô thị/diện tích đất xây dựng mới chỉ đạt từ 0,25% - 0,3%/năm là chưa theo kịp với tốc độ gia tăng về phương tiện dẫn đến quá tải đối với hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị của thành phố (đặc biệt là khu vực đô thị trung tâm), trong đó có hệ thống giao thông tĩnh.

Tại Hà Nội, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh và các điểm, bãi đỗ xe công cộng mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu đỗ xe của tổng số phương tiện hiện có, còn lại khoảng 90% số phương tiện có nhu cầu đỗ hiện nay đang đỗ tại các điểm đỗ xe của chung cư, khu đô thị, sân cơ quan, công sở, lòng đường, vỉa hè, ngõ cụt, sân trường, bệnh viện, các khu đất trống của các dự án...

Tại các quận nội thành Hà Nội có khoảng 590 điểm đỗ xe, bãi đỗ xe tập trung với diện tích khoảng 37,88ha; khoảng 562 điểm trông giữ xe trên hè phố, lòng đường với tổng diện tích khoảng 17,06ha.

7 dự án bãi đỗ xe ngầm ở Hà Nội: Vì sao vẫn nằm trên giấy?
Gần 90% các phương tiện của người dân phải đỗ ở lòng đường, vỉa hè. Ảnh: P.V

Cho cơ chế nhưng chưa thực hiện được dự án nào

Liên quan đến 7 dự án bãi đỗ xe ngầm mà Hà Nội đã lên kế hoạch xây dựng, một lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, thời gian qua, sau khi có chủ trương cho các nhà đầu tư nghiên cứu đối với các dự án này, công việc chính được tập trung triển khai là tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết, cơ chế quản lý và thực hiện quy hoạch đối với các dự án này.

“Công tác triển khai thực hiện nội dung công việc này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và thận trọng từ khâu khảo sát, đo vẽ hiện trạng đến xác định phạm vi ranh giới cũng như định hướng quy mô các khu chức năng, khớp nối các quy hoạch liên quan và phải đáp ứng được các yêu cầu cơ bản” - vị này nói.

Vị này thông tin thêm, đối với các dự án này, UBND TP.Hà Nội luôn đặc biệt quan tâm chỉ đạo các sở, ngành liên quan và các chủ đầu tư/nhà đầu tư xem xét, giải quyết. Đến nay, các vấn đề liên quan đến định hướng quy hoạch chi tiết đã cơ bản được thống nhất, giải quyết làm căn cứ pháp lý và cơ sở cho các chủ đầu tư/nhà đầu tư tổ chức triển khai thực hiện các dự án.

Trong quá trình chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách để đảm bảo tính khả thi cũng như hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư đã nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao từ phía các nhà đầu tư. Bởi, kinh phí đầu tư các bãi đỗ xe ngầm rất lớn, dù một vài dự án đã có một số nhà đầu tư ngỏ ý xã hội hóa nhưng cần cơ chế thích hợp để hoàn vốn.

Sở GTVT cho biết, Hà Nội dự kiến đề xuất cơ chế để triển khai các bãi đỗ xe ngầm như cho phép nhà đầu tư được lồng ghép chức năng dịch vụ tiện ích, thương mại khi đầu tư xây dựng nhưng không làm thay đổi chức năng quy hoạch cơ bản của ô đất, cũng như công suất đỗ xe... Được xem xét cho phép bán một số chỗ đỗ xe ngầm sau khi đầu tư xong; ưu đãi về vay vốn, tiếp cận nguồn vốn; ưu đãi về thuê đất, giao đất; ưu đãi trong việc sử dụng, áp dụng các công nghệ khoa học hiện đại tiên tiến cho dự án...

Về nguyên nhân các dự án này vẫn nằm trên giấy, nhiều chuyên gia giao thông đánh giá, ngoài lý do vướng quá nhiều thủ tục, các chủ đầu tư không mặn mà tham gia, thậm chí bỏ cuộc còn do mức phí trông giữ được quy định như hiện nay nếu áp dụng cho các điểm đỗ xe ngầm thì thời gian thu hồi vốn quá lâu, kể cả khi Nhà nước cho phép mở thêm khu thương mại dịch vụ đi kèm thì cũng mất hàng chục năm.

Tiếp đến, việc xã hội hóa xây dựng điểm đỗ xe ở Hà Nội khó thành công nếu áp dụng phương thức như hiện nay, vì hiếm có nhà đầu tư nào chịu bỏ tiền đầu tư mà chỉ trông vào thu phí hàng tháng với mức phí như hiện nay. Điều này chỉ thực hiện được khi Nhà nước đầu tư xây dựng điểm đỗ xe ngầm, sau đó bàn giao lại cho đơn vị làm nhiệm vụ khai thác điểm đỗ xe quản lý, khai thác.

7 dự án bãi đỗ xe ngầm trên giấy

Đến thời điểm này, 7 dự án bãi đỗ xe ngầm tại Công viên Thống Nhất, Khu thể thao Quần Ngựa, Công viên Thủ Lệ, Cung văn hóa Hữu nghị, quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội, quảng trường Ngân hàng Nhà nước, Công viên Tuổi Trẻ đều chưa được khởi công.

Theo quy hoạch bến, bãi đỗ xe của Hà Nội vừa được HĐND TP.Hà Nội thông qua, giai đoạn 2018 - 2025, Hà Nội dự kiến đầu tư 204 dự án tập trung tại khu vực nội đô, đạt diện tích đỗ xe khoảng 183,56ha, tổng mức đầu tư dự báo khoảng 29.872 tỉ đồng (chủ yếu đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa). H.NGUYÊN

Theo Quang Hiệu (Lao Động)