6 thủ đoạn lừa đảo cũ nhưng nhiều người vẫn sập bẫy, mất oan tiền triệu, tiền tỷ: Ai cũng cần cảnh giác để tránh thành 'con mồi'

14/08/2023 09:26:03

Trong suốt thời gian qua, nhiều hành vi lừa đảo qua không gian mạng tinh vi đã được các cơ quan chức năng và báo chí lên tiếng cảnh tình. Tuy vậy, nhiều người dân vẫn mất cảnh giác và trở thành nạn nhân để kẻ gian trục lợi.

Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), thời gian qua, các vụ lừa đảo trực tuyến đang diễn biến rất phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm 2023, số vụ lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022. Điều đáng ngạc nhiên là những chiêu trò này vốn đã không còn mới lạ nhưng vẫn khiến nhiều người “sập bẫy".

Gọi điện giả danh công an, dọa có lệnh bắt giam

Với hình thức này, các đối tượng xấu sẽ giả mạo là lực lượng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện thông báo nạn nhân đang liên quan đến một vụ án nghiêm trọng như buôn ma túy, gây tai nạn bỏ trốn, vi phạm Luật Giao thông, lừa đảo xuyên quốc gia,... Khi nạn nhân cho biết mình không liên quan hoặc không phải là tội phạm được nói đến thì các đối tượng lừa đảo này sẽ yêu cầu cung cấp thông tin để xác minh hoặc nói rằng, có thể thông tin cá nhân của nạn nhân bị lợi dụng, yêu cầu nạn nhân làm theo hướng dẫn để “phục vụ công tác điều tra, xử lý”, từ đó dẫn dụ nạn nhân làm theo những yêu cầu của mình.

6 thủ đoạn lừa đảo cũ nhưng nhiều người vẫn sập bẫy, mất oan tiền triệu, tiền tỷ: Ai cũng cần cảnh giác để tránh thành 'con mồi'
Khi nhận được cuộc gọi, nạn nhân thường mất bình tĩnh và làm theo lời của đối tượng xấu. 

Gần đây nhất, công an thành phố Đà Nẵng đã tiếp nhận vụ chị N.T.T.H (sn 1987, ngụ Đà Nẵng) bị lừa đảo chiếm đoạt 5 tỷ đồng qua hình thức này. Chị H. cho biết vào tháng 7 vừa qua, chị nhận được điện thoại của người tự nhận là cán bộ công an quận Hải Châu (Đà Nẵng) với nội dung cáo buộc chị là đồng phạm nhóm tội phạm rửa tiền buôn bán ma túy. 

Vì mất bình tĩnh, chị H. liên tục thực hiện các yêu cầu của kẻ gian như khai báo lý lịch và số tiền có trong tài khoản ngân hàng để “cán bộ xác minh". Chúng còn yêu cầu chị tải ứng dụng “Phần mềm bảo mật" có logo giả mạo của bộ công an, nhưng thực chất là chứa mã độc nhằm điều khiển điện thoại của nạn nhân. Sau đó, số tiền 5 tỷ đồng trong tài khoản của chị H. đều không cánh mà bay.

Xem video, đánh giá 5 sao, nghe nhạc được thưởng tiền

Thủ đoạn chung của những chiêu trò lừa đảo này chính là chuyển trực tiếp số tiền thưởng từ 60.000 đồng đến 150.000 đồng cho con mồi. Sau khi nạn nhân an tâm, chúng sẽ dụ dỗ nạp tiền vào thật nhiều để kiếm tiền tiếp… 

Hồi tháng 2 năm nay, chị T. ở xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) trình báo bị lừa 1,1 tỷ đồng sau khi tham gia hình thức “nghe nhạc được trả tiền.

6 thủ đoạn lừa đảo cũ nhưng nhiều người vẫn sập bẫy, mất oan tiền triệu, tiền tỷ: Ai cũng cần cảnh giác để tránh thành 'con mồi' - 1

Theo đó, sau khi nhận được 50 nghìn đồng hoa hồng khi “thả tim” (nhấn vào biểu tượng trái tim, thể hiện sự yêu thích) trên ứng dụng Zingmp3, chị T. tin tưởng và tiếp tục làm theo yêu cầu mới của đối tượng. Chúng gửi cho chị T. trang web hi1555.com để làm nhiệm vụ với mức hoa hồng cao hơn.

Nghe theo lời dẫn dắt cũng như những lý do mà đối tượng đưa ra như số tài khoản ngân hàng bị sai, sai nội dung chuyển khoản khi nộp tiền vào, chuyển tiền để xác minh tài khoản ngân hàng…, chị T. đã liên tục chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng yêu cầu với tổng số tiền là 1,1 tỷ đồng. Đến khi không còn khả năng vay mượn tiền nữa thì chị T mới tố giác ra cơ quan công an.

Hình thức tiếp cận của nhóm lừa đảo rất đơn giản. Chủ nhân của số điện thoại sẽ nhận được một cuộc gọi của một người xưng là nhân viên của một sàn thương mại điện tử, có nhiệm vụ tăng tương tác cho các bài hát trên Zingmp3 bằng cách trả tiền tương tác, hoa hồng cho người nghe nhạc.

Đối tượng giải thích chỉ cần bật bài hát được yêu cầu trên Zingmp3 thì sẽ được 10 nghìn đồng/bài. Kể cả không nghe mà chỉ bật lên để đó cũng vẫn nhận được tiền.Sau đó sẽ được mời đề nghị kết bạn qua Zalo. Mọi thông tin cá nhân, tài khoản sẽ được nhóm lừa đảo khai thác. Những người hám lợi sẽ dễ dàng bị mắc bẫy.

Cài đặt app giả mạo Tổng cục thuế

Cũng trong thời gian này, xuất hiện nhiều kẻ giả danh cán bộ thuế rồi yêu cầu người dân cài phần mềm giả mạo để lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng với mục đích chiếm đoạt tài sản. Với lời dụ dỗ cài đặt phần mềm “Tổng cục thuế" để nộp thuế được giảm VAT từ 10% xuống 8%, nhiều người đã nhẹ dạ cả tin và làm theo. Ngày 30/6/2023, công an thành phố Hà Nội đã ghi nhận trường hợp chị B. (SN 1992, trú tại Hoài Đức, Hà Nội) bị lừa mất 240 triệu đồng bằng hình thức lừa đảo này. 

6 thủ đoạn lừa đảo cũ nhưng nhiều người vẫn sập bẫy, mất oan tiền triệu, tiền tỷ: Ai cũng cần cảnh giác để tránh thành 'con mồi' - 2
Những app giả mạo thường chứa mã độc để xâm nhập vào điện thoại của nạn nhân.

Trên thực tế, từ ngày 1/7, thuế VAT đã được giảm từ 10% xuống 8% mà không cần phải cài bất cứ app nào, trừ trường hợp công dân nộp thuế qua app. Nếu người dùng cài đặt phần mềm giả mạo sẽ có nguy cơ sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại. Các tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của nạn nhân sẽ được ứng dụng kiểm soát, ngầm chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý, không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân.

Từ đây, các đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại di động để tự đăng ký các dịch vụ Internet Banking, Smart Banking, thay đổi hạn mức giao dịch của tài khoản, sau đó truy cập vào tài khoản, chuyển tiền của bị hại.

Bẫy lừa từ chiêu trò tuyển mẫu nhí

Với lời quảng cáo “hợp tác tuyển người mẫu nhí tham gia chụp ảnh mẫu”, thu nhập từ 7-15 triệu đồng/tháng/bé, nhiều người đã mất hàng trăm triệu chỉ vì cả tin.

6 thủ đoạn lừa đảo cũ nhưng nhiều người vẫn sập bẫy, mất oan tiền triệu, tiền tỷ: Ai cũng cần cảnh giác để tránh thành 'con mồi' - 3
Những lời mời hấp dẫn tràn lan trên mạng xã hội.

Thủ đoạn của các đối tượng là thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram…, các đối tượng lừa đảo sẽ kết bạn với phụ huynh và mời tham gia ứng tuyển người mẫu nhí cho hãng thời trang. Sau khi nạn nhân “cắn câu”, các đối tượng lừa đảo sẽ đưa vào một group chat để mời tham gia thử thách.

​​Thử thách cho các phụ huynh khi muốn con mình tham gia vào ứng tuyển “người mẫu nhí” là chuyển khoản để mua sản phẩm hàng hiệu, sau đó cho con em mình làm mẫu chụp ảnh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội. Thông thường ban đầu, chúng trả hoa hồng và tiền làm nhiệm vụ để “kích thích” phụ huynh tham gia. Nhưng khi số tiền chuyển vào tài khoản tăng cao, chúng xóa tung tích nhằm chiếm đoạt số tiền đã chuyển.

Tuyển cộng tác viên bán hàng online

Một hình thức khác chính là tuyển cộng tác viên bán hàng online, không đòi hỏi kinh nghiệm gì nhưng vẫn có thể kiếm được hàng chục triệu một tháng. Thủ đoạn các đối tượng lừa đảo thường dùng là cho các nạn nhân được hưởng mức hoa hồng cao.

Thời gian đầu, với các đơn hàng giá trị nhỏ, nạn nhân sẽ được hưởng hoa hồng đầy đủ. Sau đó, với những đơn hàng có giá trị cao, các đối tượng sẽ chiếm đoạt số tiền các nạn nhân ứng ra để nhận sản phẩm của các đơn hàng. Nhiều người, nhất là những bạn trẻ muốn tìm việc làm thêm hay những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, ở nhà rảnh rỗi muốn có thêm thu nhập từ công việc online đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo kiểu này.

6 thủ đoạn lừa đảo cũ nhưng nhiều người vẫn sập bẫy, mất oan tiền triệu, tiền tỷ: Ai cũng cần cảnh giác để tránh thành 'con mồi' - 4
Hội nhóm tuyển cộng tác viên thu hút chủ yếu các bạn trẻ muốn tìm việc làm hoặc phụ nữ đang nuôi con nhỏ.

Điển hình là trường hợp của chị N.T.H (sinh năm 1998) ở quận Hà Đông (Hà Nội) đã mất gần 300 triệu đồng từ việc làm cộng tác viên chạy quảng cáo, thanh toán các đơn hàng cho một sàn thương mại điện tử.

Theo chị, yêu cầu công việc rất đơn giản và phù hợp đó là không cần kinh nghiệm, chỉ cần có điện thoại và thẻ ATM. Công việc chị H. được giao là bán hàng online, nhận và thanh toán các đơn hàng để hưởng tiền hoa hồng. Với 5 đơn hàng đầu tiên, chị được số tiền hơn 1,1 triệu đồng tiền hoa hồng cùng số tiền gốc ứng ra để nhận hàng giao cho khách. Do ham lợi nhuận, chị H tiếp tục bị các đối tượng lừa đảo, dẫn dắt mua bán lòng vòng, đến khi tổng số tiền ứng ra để nhận đơn hàng lên đến gần 300 triệu đồng thì chị H không thể liên lạc được với các đối tượng.

Lừa đảo việc nhẹ lương cao

Nắm bắt được tâm lý của nhiều người muốn có công việc nhẹ nhàng, thu nhập cao, các nhóm đối tượng đã sử dụng thủ đoạn lừa đảo thông qua việc tuyển cộng tác viên làm việc online với tỷ lệ hoa hồng lớn.

6 thủ đoạn lừa đảo cũ nhưng nhiều người vẫn sập bẫy, mất oan tiền triệu, tiền tỷ: Ai cũng cần cảnh giác để tránh thành 'con mồi' - 5
Hình thức đánh vào tâm lý muốn tìm việc làm nhẹ những vẫn có thu nhập cao của nhiều người.

Theo Cục An toàn thông tin, khoản tiền các đối tượng lừa chiếm đoạt được từ hình thức này thường từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng. Chỉ cần click chuột, thả tim tương tác, nghe nhạc, cày view cũng có thể có thu nhập cao là những lời mời phổ biến nhất. Sau khi khách hàng đồng ý với công việc sẽ được yêu cầu nộp một khoản tiền tạm ứng trước khi bắt đầu công việc. Nhưng sau đó những kẻ lừa đảo thường không cung cấp công việc thực tế.

Bên cạnh đó, chúng có thể yêu cầu người tham gia cung cấp thông tin tài khoản cá nhân, bao gồm số thẻ tín dụng hoặc thông tin ngân hàng, với lý do để thực hiện thanh toán hoặc tạo tài khoản. 

Theo H.A (Kienthuc.net.vn)

 

Nổi bật